(...viết tiếp "...không có hệ tư tưởng hay giáo lý nào để soi chiếu và đi theo" )
Chính xác thì, càng lớn tôi càng ít cầu nguyện hơn.
Khi làm sai điều gì đó, tôi cũng không chắp tay cầu nguyện xin thần linh tha thứ nữa. Không phải vì tôi mất niềm tin vào thần phật, mà vì trong thế giới nhỏ của tôi cũng tồn tại một quan tòa, mọi người sẽ gọi nó là lương tâm hoặc đạo đức gì đó, tôi cũng không biết chính xác nữa. Quan tòa này được xây dựng trên nền móng là tam quan của tôi, bao gồm thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan. Quan tòa sẽ đưa ra những nhận định, điều hướng cảm xúc, hành vi của tôi. Thường thì phán quyết sẽ được đưa ra vào trước giờ tôi đi ngủ hằng ngày.
Nhưng vì nền móng của tòa án này là góc nhìn của bản thân tôi, và đó là một biến số, nên quan tòa của tôi không phải là một nơi hoàn toàn uy tín để gửi gắm trọn vẹn niềm tin. Bản thân tôi cũng ý thức được rằng, tôi ở thời điểm hiện tại, được khen là "tam quan ngay ngắn", có thể là vì tôi đang ở trong một điều kiện tương đối ổn về cả tinh thần và vật chất, không phải vật lộn với cuộc đời. Khi có khó khăn, nếu không thể tự lo liệu, tôi vẫn còn sự chống đỡ của gia đình, người thân, bạn bè và lũ chó mèo. Nếu đặt bản thân vào những tình huống tréo ngoe, tôi cũng không dám chắc chắn rằng mình sẽ không "hắc hóa". Phim Parasites có một câu thoại rất hay "They are nice because they are rich" - "Họ tốt đẹp chẳng qua vì họ giàu".
Tôi xin phép trích lại một đoạn văn rất đời của Nam Cao trong tác phẩm Lão Hạc.
"Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi...toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất. Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn không nỡ giận."
2. Chúng ta được dạy rằng, luôn tồn tại hai mặt của một vấn đề. Triết học Mác Lê nin phát triển kiến thức này sâu hơn và ta có quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Mọi quy chuẩn, khái niệm, định nghĩa đều chỉ mang tính tương đối. Ngày nhỏ, chúng ta có công xã trường học, nơi mà đúng và sai, người xấu và người tốt được phân định thật rõ ràng. Ngày xưa đi học, tôi cũng vi phạm nội quy, đủ thứ từ nói chuyện trong giờ, đi học muộn, làm việc riêng,.. đến bị bắt vì quay tài liệu trong giờ thi, phát tán tài liệu cho bạn. Nhưng hiện tại, tôi vẫn sẽ mạnh dạn và lạc quan mà nhận bản thân mình là một học sinh ngoan. Mười hai năm học, tôi học được, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, tuy không tuân thủ tốt nội quy nhưng tôi chấp nhận những hình phạt cho hành vi mình làm (một cách tâm phục khẩu phục:)). Tôi từng cho rằng một học sinh ngoan là một học sinh có thái độ tốt, nghe lời, giỏi và không vi phạm nội quy. Nhưng khi nhận ra suốt phần đời còn lại, mình đã, đang và sẽ là học sinh trong một ngôi trường có tên là trường đời, và mắc lỗi hay vi phạm là những điều bình thường và được chấp nhận ở hệ thống giáo dục này, thì định nghĩa về học sinh ngoan của tôi cũng thay đổi theo.
Tôi nghĩ rằng, một học sinh ngoan có lẽ là một học sinh không ngừng học tập và học hỏi, sống cống hiến và lan tỏa, mắc lỗi nhưng biết rút ra bài học và quan trọng là dám chịu trách nhiệm, tất cả được xây dựng dựa trên yếu tố cốt lõi là tam quan đúng đắn. Trường đời, là một ngôi trường lớn với nhiều giới tính, lứa tuổi, sắc tộc, quan điểm, hoàn cảnh...và không có một nội quy hay bảng điểm, bài thi cụ thể nào để đánh giá học sinh. Mỗi người có một định nghĩa về học sinh ngoan. Những suy nghĩ của tôi hiện tại, cũng chỉ có thể đại diện cho một phần tư duy của tôi tại thời điểm này, có thể sẽ thay đổi trong tương lai.
Đó là lí do mà tôi rất thích một đoạn trong bài Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu: "Những vị ấy, ngày nay lừng danh cả, đều đã lần lượt đốt cháy những cái mà mình đã tôn thờ và đang tôn thờ những cái mà mình đã đốt cháy. Như vậy các vị ấy có sao không? Chẳng sao cả." Tôi thích đoạn văn này từ tiết Ngữ văn năm lớp 7 đến tận bây giờ.
2. Một người anh từng nói với tôi, đến một lúc nào đó, những lời khen chê sẽ không thể ảnh hưởng tới chúng ta được nữa. Vì ta không thể biết đâu là lời nói thật lòng, bản thân ta cũng nhiều lần không nói lời thật lòng. Và những lời dẫu thật lòng, cũng chỉ có ý nghĩa tại thời điểm đó, nhất là cảm xúc, thứ biến động nhất trên đời này. Sự chê trách có thể tiêu cực và khó dung nạp, có thể không đúng, có thể chỉ là một bình mực ai đó muốn hất lên áo ta, nhưng luôn giúp ta nhìn lại bản thân và ý thức rằng cần thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn. Lời khen, đặc biệt là những lời khen có chiều sâu và đánh trúng được những lỗ hổng của tâm hồn, giống như một hũ mật ngọt, cho ta năng lượng và cả cảm giác hạnh phúc, được thấu hiểu, được trân trọng. Nhưng những lời khen không giải quyết vấn đề cho ta, không chữa lành những lỗ hổng, không cải thiện bản thân ta trở nên tốt đẹp hơn (thậm chí có thể gây nhiễu năng lực đánh giá của bản thân). Sau cùng chúng cũng chỉ là những ống dopamine tiêm vào cơ thể và thứ mà ta nhận được, chỉ là một dạng cảm xúc, một trạng thái tại một thời điểm trong cả một cuộc đời dài rộng và có trăm ngàn những thời điểm như vậy. Chừng nào còn nặng nề với chuyện khen chê, khi đó cuộc sống chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào cái nhìn của người khác.
Chị Nh. hay bảo tôi là cái đồ "thích được khen", "cứ ai khen là thích người ta". Mỗi lần được nhận xét như vậy, tối lại cười xoà. Càng lớn tôi càng khó tính, khó gần, được khen là tốt lắm rồi.
Tôi là một đứa trẻ ngoan trong con mắt của người lớn. Những tế bào trong cơ thể của tôi nguyên phân, giảm phân để tôi lớn lên về mặt thể chất, còn tâm hồn lớn lên cùng với những lời khích lệ và cả những lời khen của gia đình họ hàng. Khi còn nhỏ, lời khen là phiếu bé ngoan. Khi lớn thì là những tờ giấy khen, những tấm huân chương. Ai cũng sẽ có một cuộc khủng hoảng tâm lý trên hành trình trưởng thành. Cuộc khủng hoảng của tôi là khi tôi nhận ra những thứ mà tôi tự hào về bản thân hóa ra lại không đáng tự hào đến như vậy, những thứ tôi tin tưởng là chuẩn mực hóa ra lại không đúng đắn đến như vậy. Cảm giác lúc đó rất bơ vơ và cô đơn, là cảm giác khi nhận ra tôi không có hệ tư tưởng hay giáo lý nào đi bên cạnh.
Lúc đó, tôi ngưỡng mộ biết bao những người bạn sùng đạo ở xung quanh mình. Đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Hồi,..nói riêng và tôn giáo nói chung, cho con người những giáo lý để điều chỉnh hành vi, rồi sau này một tập hợp chuỗi những hành vi tốt sẽ đem lại những điều tốt lành. Quan trọng hơn, tôn giáo xây dựng và duy trì những niềm tin mạnh mẽ cho giáo dân. Niềm tin đó có hệ thống, có cộng đồng, nên nó trở nên bền vững và chắc chắn hơn cái quan tòa mà tôi tự xây nhiều lần. Niềm tin ấy là động lực vượt qua khó khăn và gầy dựng lên những điều to lớn. Tôi cũng muốn có cái động lực ấy, và cái mong muốn ấy từng khiến tôi muốn theo một tôn giáo nào đó. Nhưng tôi hiểu, đó không phải lí do đúng đắn. Tôn giáo, tình yêu, công việc,...mọi lựa chọn trong cuộc đời này, đều nên xuất phát từ xúc cảm chân thành và sự tử tế. Bà nội tôi, một Phật tử sùng đạo, cũng khuyên tôi rằng tôi hiện tại chưa phù hợp để đi theo tôn giáo nào. Tôi cũng nghĩ vậy.
Với những kẻ lang thang "vô đạo" như tôi, không có điểm tựa tinh thần là tôn giáo, cách tốt nhất để duy trì niềm tin thiện lương với cuộc sống này, có lẽ là ra sức bảo vệ tòa án tự xây kia, đảm bảo quan tòa của mình luôn đưa ra những phán quyết đúng đắn nhất.
Nhận xét
Đăng nhận xét