"...không có hệ tư tưởng hay giáo lý nào để soi chiếu và đi theo"

"Ngoài luật pháp (chắc chắn và bền vững) cùng những quy chuẩn đạo đức xã hội (hơi lỏng lẻo và có biến tốc khá lớn), tôi không có hệ tư tưởng hay giáo lý nào để soi chiếu và đi theo. Điều này làm tôi bối rối."

Ảnh: Anh Nguyễn Kim Tiến, Đà Nẵng
                     
1. Bạn bè tôi có nhiều người theo đạo. Tôi đã nói chuyện với từng người trong số họ, ít nhất một lần, rằng tôi luôn có một sự ngưỡng mộ nhất định với những người theo đạo.

Tôi lớn lên ở một làng quê nhỏ thuộc đồng bằng sông Hồng. Ở làng tôi, đa phần mọi người đều theo đạo Phật. Ngôi đình cổ kính trong làng thờ Thành Hoàng làng, thờ Cô Mẫu và mái chùa nhỏ lụp xụp nép mình bên rìa chợ Hà gần sông Cửu An là những dấu ấn tâm linh tôn giáo đầu tiên trong đời tôi. Khi tầm nhìn xa của tôi chỉ đo được từ cái cổng sắt ở nhà đến cây đa đầu làng, tôi cho rằng tất cả mọi người trên thế giới này (và cả động vật nữa😐) đều theo đạo Phật và đạo Phật khắp nơi trên thế giới đều giống nhau, giống đình chùa làng mình, bao gồm cả giáo lý, giới luật, tư tưởng, hình thức, kiến trúc ,... Điều này cũng dễ hiểu, vì càng ít hiểu biết về vấn đề gì đó, chúng ta càng dễ dàng cho rằng vấn đề đó thật đơn giản.


          
Lớp một, nhà tôi chuyển lên Sặt một thời gian. Kẻ Sặt, nói chính xác hơn là giáo xứ Kẻ Sặt, miền đất thánh, là một thị trấn nhỏ xinh đẹp. Nhà mới của tôi ở gần một nhà thờ rất to và đẹp, sơn màu vàng cổ kính, nhìn như một tác phẩm kiến trúc Pháp (điều đó cũng dễ hiểu vì nhà thờ này do người Pháp xây dựng). Nhà thờ đó có tượng chúa Giê su, tượng Đức mẹ Maria. Tiếng chuông của nhà thờ rất trong và vang. Những ngày cuối tuần, có rất nhiều người đi vào nhà thờ, ăn mặc và đi đứng trang nghiêm, cùng ngồi xuống cầu nguyện. Trong đó có cả mợ và em họ tôi.  Mẹ giải thích cho tôi rằng đó là nhà thờ của Thiên Chúa giáo. Sang nhà cậu mợ chơi, tôi thấy trong nhà cậu mợ cũng có bàn thờ trên cao, khác một chút là bày tượng chúa. Cậu mợ treo trong nhà một bức tranh to, có khoảng 12-13 người đàn ông người nước ngoài, ngồi cùng một bàn, trong một căn phòng lớn. Trước lúc ăn, mợ và em tôi luôn cầu nguyện.



Mẹ tôi, bà tôi luôn nhắc tôi chắp tay khi đứng trước bàn thờ. Tôi cũng bắt chước mẹ và bà, chắp tay, nhắm mắt, cúi đầu thành kính. Mẹ giải thích cho tôi rằng đó là cầu nguyện. Cầu nguyện là nói những mong ước của mình với những hiện thân mà mình tin tưởng và tôn sùng nhất, có thể là biểu tượng của một tôn giáo nào đó, hoặc hình ảnh tổ tiên trong tâm tưởng, hoặc là những lời tự giãi bày với chính bản thân mình. Mẹ cũng bảo tôi rằng thần linh nhìn thấy tất cả những gì mình làm, nên nếu chúng ta làm điều gì đó không đúng, chúng ta sẽ bị trách phạt. Hồi đó tôi còn là cô bé 3 tuổi học lớp mầm và mẹ cũng chưa mắng tôi nhiều như bây giờ (tình cảm mẹ con chưa bị sứt mẻ miếng nào), nên tất cả những gì mẹ nói đều có độ tin cậy 100% với tôi. Mỗi khi làm điều gì đó tội lỗi, tôi sẽ chạy vào nhà và chắp tay đứng trước bàn thờ, thì thầm rằng mình không cố ý, mình có lý do chính đáng. Hoặc nếu mai có bài kiểm tra quan trọng, tôi cũng sẽ cầu nguyện các vị thần ban cho mình điểm 9 điểm 10. 

Ông nội ngồi ở bàn uống trà, luôn quan sát tôi cầu nguyện hoặc sám hối rồi cười xòa xòa. Câu cửa miệng của ông là "Xoàng thế", ông sẽ luôn nói như vậy khi nghe thấy những điều ước lặt vặt và nhỏ lí nhí của tôi. Hình ảnh của ông ngồi bàn uống nước và xem ti vi là hình ảnh bình yên nhất tuổi thơ của tôi.



Cũng rất nhanh để tôi nhận ra, những gì tôi cầu nguyện và ước mong khi chắp tay đứng nghiêm chỉnh trước bàn thờ ở nhà hay ở chùa, không phải luôn luôn thành sự thật. Nó cũng giống như niềm tin vào ông già Noel của tất cả cô nhóc cậu nhóc trên quả đất này. Những đứa trẻ khi lớn lên, đều phải trải qua một vài buổi học vỡ lòng về sự khắc nghiệt của hiện thực. Tuy vậy, mỗi khi nhớ lại những điều ước cùng sự thành tâm của mình hồi nhỏ, tôi lại bật cười vì có vẻ chúng vô tri nhưng cũng khá dễ thương.

Điển hình như chuyện ba mẹ buôn lá dong dịp Tết mùa xuân năm tôi học lớp năm. Đợt đó tôi được đi thi tỉnh (một điều hơi bất ngờ với một đứa cẩu thả có tiếng ở trường là tôi). Lúc ngồi ôn bài, nghe thấy ba mẹ phàn nàn chuyện buôn bán, cái đầu tôi lúc đó thật sự đã nghĩ rằng: "Thần linh chắc cũng giống mình, sức lực có hạn, không thể đi theo ai mãi mà thực hiện điều ước cho họ. Chắc là mình cũng có một số lượng giới hạn những điều ước thôi. Nếu mình ước điểm cao trong kỳ thi thì điều ước năm nay ba mẹ buôn lá dong lãi có thể sẽ không thành sự thật." Thế là tôi đã chọn cầu nguyện cho công việc kinh doanh của ba mẹ. Còn việc thi cử của tôi, tôi sẽ giao phó sự may mắn cho việc tuân thủ chặt chẽ những quan niệm dân gian như: ăn nhiều đậu cho thi đậu, không ăn trứng luộc,...Có lẽ tôi cũng là một đứa trẻ ngoan và ngây thơ, thái độ cũng hiểu chuyện nữa (tuy rằng cách hiểu hơi tào lao). Đương nhiên, sau này khi bị ba mẹ cho ăn mắng nhiều hơn và tình cảm cũng sứt mẻ hơn, tôi cũng ích kỷ lên và bớt bớt những điều ước bao đồng như mùa xuân năm đó. 

\
Lên cấp hai, tôi được học về tín ngưỡng và tôn giáo trong giờ Giáo dục công dân. Thầy dạy Giáo dục công dân phụ trách cả môn Lịch sử. Và thầy giảng rất hay (thầy còn phong độ nữa). Mỗi giờ học của thầy, lớp chúng tôi đều chống cằm nghe từ đầu tiết đến lúc trống đánh ra chơi. "Tín ngưỡng là..... Tôn giáo là....." Nghe thầy giải thích tôi mới biết, hóa ra mình là một người có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chứ không phải một Phật tử như mình ngộ nhận. Phát hiện này mở ra một chân trời tư duy mới trong đầu tôi, "mình là một người "vô đạo"". Ngoài luật pháp (chắc chắn) cùng những quy chuẩn đạo đức xã hội (hơi lỏng lẻo và có biến tốc khá nhanh), tôi không có hệ tư tưởng hay giáo lý nào để soi chiếu và tuân theo. Điều này làm tôi bối rối... 


























Nhận xét

Bài đăng phổ biến