Lý thuyết "cái gương". Đi tìm nhân dạng thật sự.
LÝ THUYẾT CÁI GƯƠNG
Tôi gọi đó là lý thuyết cái gương.
Bạn trong mắt mọi người xung quanh, trong mắt con mèo nhỏ, trong cảm nhận của cái lá, bông hoa nếu chúng có linh hồn,...đều khác nhau. Hình ảnh của bạn là một dạng hạt giống, với mỗi loại môi trường, hạt giống ấy sẽ phát triển thành một loại cây. Trong đôi mắt và cảm nhận của mỗi người là một nhân dạng của bạn. Bạn trong chính bản thân bạn cũng vô thường, vì bạn chẳng biết được một cách chắc chắn và chi tiết rằng ngày mai bạn sẽ có những thay đổi gì. Thậm chí, bạn còn chưa thật sự hiểu rõ bản thân mình.
Vậy thì nhân dạng của một ai đó, là một biến số.
Khi bạn soi gương, thứ bạn thấy là hình ảnh của bạn và khung cảnh xung quanh bạn trong đôi mắt và cảm nhận của bạn. Đó cũng là những dữ kiện mà cái gương thu lượm được. Bạn không nhìn thấy sau cái gương có gì.
Lý thuyết cái gương, hiểu đơn giản, là tự biến bản thân mình trở thành một chiếc gương.
____________________________________________________________________________
CHƠI ĐÙA VỚI SUY NGHĨ CỦA NGƯỜI KHÁC
Vạn vật trong nhân gian, một thay đổi nhỏ cũng sẽ tác động đến những thứ khác. Một cánh bướm đập dịu dàng cũng có thể là nguyên cớ đưa đến một cơn sóng thần chết người. Ngày nọ, khi cuộc đời của tôi không xinh đẹp cho lắm, khi trái tim tôi trở nên cộc cằn, những suy nghĩ tiêu cực, thù hận, sân si bắt đầu xuất hiện, tôi cảm thấy bản thân mình xứng đáng được đền bù bằng những việc làm cũng không xinh đẹp cho lắm. Tôi cho phép bản thân dùng thuyết cái gương để tiêu khiển với nguyên liệu là suy nghĩ của người khác. Tôi coi bản thân như chiếc gương, dùng hình ảnh phản chiếu trong gương để dò xét thế giới quan của người khác.
Người ta thường hay nói dối để khiến bản thân tốt đẹp hơn, tôi ghét điều đó, sự tự ái và cái tôi cao ngất của tôi không cho tôi nói dối với cái động cơ rẻ mạt như vậy. Tôi tự cho rằng, động cơ nói dối của mình có chiều sâu và lý tưởng hơn. Tôi thích xen kẽ những lời nói dối với những lời nói thật, đồng tình với mọi hiểu lầm và đón nhận mọi lời đồn. Tôi muốn làm khán giả chứng kiến bộ phim cuộc đời của mình trong đôi mắt của người đời, muốn xem cốt truyện có thể đi xa đến đâu và bản thân mình có bao nhiêu nhân dạng.
Những lớp lang tính cách liên tục biến đổi và xếp chồng chéo lên nhau đã sớm dập tắt hy vọng được thấu hiểu của tôi. Thế giới của người lớn, của tất cả những người lớn, hình như một ngày nào đó đều sẽ hiểu ra rằng không ai hiểu bản thân mình hơn chính mình, cũng không ai kiên nhẫn với bản thân mình hơn chính mình. Tôi cho là như vậy. Khi nhu cầu được thấu hiểu không còn là ưu tiên , thuyết cái gương giúp tôi nhìn nhận thế giới quan của người khác một cách tiết kiệm thời gian nhất.
Trong những chiếc gương, ở những ngày khác nhau, khi đối diện với những người khác nhau…là rất nhiều tôi trong những nhân dạng, hình hài khác nhau.
Tôi tìm thấy mình là một cô gái xinh xắn, trong trẻo, hồn nhiên, dễ thương. Cũng tìm thấy mình trong hình bóng của một ả trà xanh tỏ vẻ đáng yêu. Cũng thấy mình nhạt nhoà.
Tôi tìm thấy mình là một cô gái có gu, cũng thấy mình là một cô nàng điệu đàng, làm lố, cũng thấy mình luộm thuộm chẳng ra sao. Tôi thấy mình chi tiêu hợp lý, cũng là một kẻ tiêu xài hoang phí không biết đến tương lai.
Tôi thấy mình kén chọn, cũng thấy mình dễ dãi, thấy mình là kẻ quảng giao, cũng thấy mình lạc lõng, thu mình, thấy mình là kẻ nặng tình, cũng thấy mình là kẻ lạnh lùng sẽ đem tình cảm ra làm trò đùa, thấy mình ham vui, cũng thấy mình luôn trốn tránh những cuộc vui.
Tôi thấy mình cuồng công việc, hiệu suất cao, cũng thấy mình là một đứa vô dụng, là người năng động nhiệt huyết, cũng là kẻ hời hợt buông xuôi, là người có trách nhiệm, cũng là kẻ chỉ thích rong chơi bay nhảy, là đứa lì lợm nhất, cũng bỏ cuộc nhanh nhất.
Tôi thấy cuộc đời mình thật dễ dàng, êm ả, cũng thấy cuộc đời mình mệt mỏi, thấy mình vô ưu vô lo vô nghĩ, cũng thấy mình như gánh cả thế giới trên vai. Tôi là con nhỏ đơn sơ vô tri, cũng là kẻ nhiều tâm tư nhất.
Thật ra bạn trông như thế nào trong mắt người khác, không phải do bạn quyết định. Hình ảnh của bạn trong mắt người khác phản ảnh thế giới quan của chính họ. Tôi biết rõ điều này, nhưng tôi vẫn chọn dùng thuyết cái gương để chứng minh quan điểm này một cách tiêu cực. Buồn cười ở chỗ, dần dần, tôi cũng bị lạc giữa đống mặt nạ mà thế giới gán cho, tôi cũng hoài nghi nhân dạng của chính mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét