Cái răng cái tóc là góc con người. Một quả đầu con trai.
"Cái răng cái tóc là góc con người"
1. Mẹ tôi là giáo viên Tiếng Anh với nghề tay trái là cắt tóc. Tôi là khách hàng đầu tiên và duy nhất trong cái tiệm làm tóc mẹ tự sáng tác ra. Mẹ có sự tự tin vô cực vào tay nghề cắt tóc của bản thân, cộng thêm tôi hồi nhỏ cũng là một đứa con nghe lời và ít bị mẹ mắng, nên khá dễ hiểu khi mái tóc của tôi gắn bó với cây kéo của mẹ cũng đâu đó 10 năm. Mẹ chọn cắt tóc ngắn cho tôi, nhằm hai mục đích "cho mát" và để tăng tần suất số lần cắt tóc trung bình quý. Có vẻ với các mẹ, chăm chút cho con cái không chỉ là một biểu hiện của tình mẫu tử bao la, mà còn là một cái thú tiêu khiển, một nơi thỏa sức sáng tạo của các bà nữa. Nếu có thể trao giải, nhất định tôi sẽ trao cho mẹ "Cây kéo chì" của năm, vì mẹ thiết kế cho tôi những kiểu đầu rất khó đoán và khó tả. Ký ức hồi bé xíu của tôi khi được mẹ cắt tóc, là lúc cắt, mẹ sẽ hát vu vơ một đoạn của bài Yesterday, The Beatles..."Yesterday, all my troubles seemed so far away..." hoặc mấy bài kinh điển như Rhythm of the rain, Happy new year, My heart will go on...Khi bắt đầu có ý thức về khái niệm "xấu" và "đẹp", ký ức của tôi về những lần mẹ cắt tóc cho là một tập hợp cảm giác lo lắng, hồi hộp mỗi khi soi gương sau khi cắt và chuỗi ngày muốn đội quần lên đầu khi đi học. Tôi nhớ có một lần mẹ lỡ tay cắt tóc tôi ngắn quá, cùng lúc trên VTV2 chiếu tập phim Maruko cũng đội nón đi học một tuần liền vì mẹ Maruko cũng lỡ cắt tóc xấu cho cô bé. Lúc đó, tôi đã cảm thấy cuộc đời của mình đã thật sự được đưa lên phim :). Một sự đồng cảm vô cùng sâu sắc.
Dù đã trải qua không ít đắng cay dưới cây kéo cắt tóc của mẹ (và cả cây phất trần, chiếc dép nữa), nhưng tôi hiện tại rất ủng hộ việc mẹ tôi cắt tóc cho tôi hồi nhỏ, cũng ủng hộ cả việc mẹ nhắc nhở hay thậm chí là cấm đoán khi tôi bắt đầu quá chú tâm vào chuyện làm đẹp những năm dậy thì. Công bằng mà nói, với tính cách của tôi, nếu không có sự ngăn cản của mẹ lúc đó, có thể tôi sẽ phát triển thành những tương lai khó lòng diễn tả, nhưng chắc chắn là đổ đốn hơn hiện tại rất nhiều. Nếu có thể, nhan sắc và khả năng tự nhận thức nên song hành cùng nhau và đến cùng lúc. Ngoại hình đẹp, đặc biệt trong thời đại ngày nay, là một loại tài nguyên sẽ đem lại vô vàn lợi thế. Các dịch vụ thẩm mỹ, tân trang nhan sắc đánh vào thị hiếu người dùng, cũng kiếm bộn tiền. Nhưng lịch sử đã cho ta nhiều ví dụ chứng minh rằng, một quốc gia không thể tồn tại chỉ dựa vào tài nguyên và có những đất nước vẫn rất phát triển dù không được mẹ thiên nhiên ưu đãi. Dù trong thâm tâm tôi hiểu rõ là mẹ tôi cắt tóc xấu, tôi vẫn sẽ màu mè hoa mỹ mà nói rằng, mẹ tôi làm gì cũng đều có dụng ý cả.
2. Từ lớp năm trở đi, mẹ để tôi tự quyết chuyện tóc tai. Tôi bắt đầu nuôi tóc dài từ đó. Đến năm lớp bảy, tóc tôi đã dài ngang lưng. Lúc đó ba mẹ vừa xây nhà xong và tôi cũng lờ mờ nhận ra giá trị của đồng tiền. Thế là tôi lén mẹ đi bán tóc cho mấy bà thu mua tóc dạo ven đường. Cầm bảy mươi ngàn đồng với mái tóc ngắn ngang vai được cắt gọn trong 2 phút, tôi bỗng cảm nhận được một luồng trào ngược của đạo đức và trách nhiệm đang dâng lên, cảm thấy ba mẹ thật may mắn khi có một đứa con như mình. Ai dè về nhà, tôi bị mẹ mắng quá trời. Mẹ mắng tôi vì hai lý do, thứ nhất: nhìn tôi lúc đó chẳng ra sao cả, thứ hai: bán sao mà được có 70 ngàn, cái chỗ tóc đó phải bán được trăm rưỡi. Nhưng sau khi tôi chìa ra cái kẹp tóc đính đá lấp lánh lấp lánh mà tôi mua bằng bảy mươi ngàn tiền bán tóc, thì mẹ tôi không mắng nữa. Tối đó, tôi được ăn thịt tẩm bột rán, uống coca, không phải rửa bát và còn giữ lại được 30 ngàn quỹ đen nữa (vì cái kẹp tóc có 40 ngàn thôi à).
3. Lớp tám, những chuyện không vui xảy đến với tôi và gia đình, thêm chuyện ông nội - biểu tượng bình yên của tuổi thơ tôi qua đời, chuyện học đội tuyển không như mong đợi. Tất cả gộp lại làm tôi già dặn nhanh chóng trong hai năm cuối cấp hai. Tóc tôi cũng dài ra, nhưng tôi không quá quan tâm đến nó. Lên cấp ba, trong một lần thử tự tỉa đuôi tóc của mình, tôi phát hiện rằng tự cắt tóc có vẻ giải tỏa cảm xúc của tôi khá tốt. Vậy là mỗi khi stress, tôi lại lôi mái tóc của mình ra "hành hạ". Đại học năm nhất, khi bế tắc và chìm nghỉm trong mớ cảm xúc hỗn độn cộng dồn lại trong nhiều năm tháng trước đó, tôi đã quyết định cắt tóc ngắn như con trai. Hôm đó là một ngày trời nắng đẹp, sau khi xuống xe bus về nhà, tôi rẽ vào tiệm cắt tóc gần nhất, nói với chị chủ tiệm tóc "Chị cắt cho em kiểu đầu như con trai nhé". Chị chủ tiệm ngạc nhiên lắm, chị bắt đầu hỏi tôi có phải ý tôi là muốn cắt tóc bob, hay lob gì đó. Nhưng lúc đó đầu tôi thật sự trống rỗng, tôi dõng dạc nhấn mạnh lại theo quán tính "Em muốn cắt tóc như con trai". Chị chủ do dự, nhưng vẫn cắt cho tôi một cái đầu con trai như tôi đề xuất. Ngồi cạnh tôi lúc đó là một bé con xinh xắn khoảng 4,5 tuổi được mẹ đưa đi cắt tóc. Cô bé khen mái tóc mới của tôi nhìn rất xinh. Lời động viên ấy đã trấn an tôi phần nào, sau khoảng 1 tiếng theo dõi từng lọn tóc của mình được cắt xuống và cố đoán hình hài của mình trong gương sau khi cắt xong không biết có thể tệ đến mức nào. Lúc tôi về đến nhà và tháo mũ xuống, mẹ tôi sốc lắm. Mẹ hỏi sao tôi lại cắt tóc như vậy, có bị làm sao không, suy nghĩ gì trong đầu mà làm vậy. Suốt mấy tháng trời, hễ nhìn thấy tôi và cái kiểu đầu tiềm ẩn những mầm mống của sự bất trị, từ ông bà đến chú dì đều mắng tôi "Nhìn chẳng ra làm sao cả!". Mấy đứa bạn mới đầu cũng sốc, sau vài phút trấn tĩnh, tụi nó khen tôi "Trông rất dễ thương" với những cái mặt không thể gượng và sượng hơn. Tổng quan lại, cái đầu của tôi lúc đó là một tác phẩm nghệ thuật xấu đau đớn.
Tôi đủ nhận thức và nhạy cảm để hiểu bộ dạng của mình lúc đó chắn chắn rất tệ. Nhưng mái tóc ấy thật sự đã giải tỏa cho tôi rất nhiều. Tôi lúc đó thật sự thiếu sức sống, mệt mỏi và chán ghét bản thân đến mức việc soi gương cũng làm tôi mệt mỏi và khó chịu. Cắt phăng mái tóc dài là hành động nhằm loại bỏ chút phân vân và những chăm chút ngoại hình cuối cùng của tôi với chính bản thân thời điểm đó. Tôi cho rằng điều đó là hợp lý. Khi tâm hồn đang tan hoang như một ngôi nhà bị ám trong mấy bộ phim kinh dị, thì bớt đi một vài mối bận tâm là điều nên làm, dù cách làm của tôi có phần hơi tiêu cực. Quãng thời gian cắt tóc ngắn, tôi cũng không còn chú ý đến mấy anh con trai nữa, vì "có đứa khùng nào mà đi thích một đứa con gái như mình lúc này". Với lối suy nghĩ hết sức thực tế ấy, tôi đã loại bớt hai mối bận tâm dramatic nhất có thể xuất hiện trong thế giới của một cô gái, đó là nhan sắc và đàn ông. Phải thừa nhận rằng, đó là những tháng ngày rất bình yên và đáng nhớ.
Chẳng phải đợi quá lâu, mấy tháng sau, hai dì của tôi chịu không nổi bộ dạng ủy khuất của cô cháu gái nữa. Nhân dịp Tết đến xuân về mừng Đảng mừng Xuân, hai dì quyết định sẽ làm một cuộc cách mạng tân trang nhan sắc cho tôi. Hai dì tranh nhau đưa tôi đi cắt tóc, mua đồ (gọi là tranh nhau vì quan điểm làm đẹp của hai dì hơi khác nhau xíu và ai cũng thương cháu). Tết năm đó, tôi được xếp lịch chăm sóc dung nhan từ chiều 27 đến sáng 30 Tết. Kiểu đầu con trai được sửa lại cho nữ tính hơn, tôi cũng bắt đầu tập tành dùng son, phối đồ, bắt đầu làm điệu trở lại. Cho đến thời điểm hiện tại, bà tiên và ông Bụt trong câu chuyện cuộc đời tôi, vẫn vậy, chính là gia đình, người thân của tôi. Thế nên, ưu tiên số một của tôi, cũng là gia đình và những người thân yêu ấy.
Nhà mốt Coco Chanel có một câu quote như thế này "If you are sad, add more lipstick and attack". Son môi thật sự là liều thuốc tinh thần có ý nghĩa cột mốc trong cuộc đời tôi. Khoảnh khắc lần đầu tiên thoa thỏi son lên môi và ngắm nhìn hình ảnh của mình trong gương, cũng là lần đầu tiên tôi thật sự cảm thấy mình đẹp. Tôi thoa son mỗi khi buồn, thoa son cả khi ở nhà một mình, thoa son xong rồi lau đi thoa lại. Sau này, ngoài son ra thì nước hoa cũng đem lại cảm giác tương tự, là chất gây nghiện tôi không thể dứt ra.
"Sao mà bán được 70k, phải bán trăm rưỡi chứ" :)))). Dù sao thì có tóc để tự cắt tự uốn cũng vui rồi :v
Trả lờiXóa:)))))) cần tóc không em vẫn bán nhaaaa:))))
XóaCó cần phải đợi để hỏi mẹ giá trước không :)) hay giờ tự định giá được rồi :v
XóaGiờ tự định giá được rồi:)). Nhưng bán đắt lắm:)))))
Xóa