Gái quê Bắc Kỳ. Bản ngã của kẻ tha hương và dư âm ngọt ngào của gốc gác.

"Bản ngã của kẻ tha hương và dư âm ngọt ngào của gốc gác..."



4. Tư tưởng Nho giáo trói chặt người phụ nữ Bắc Kỳ với rất nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm. Người ta hay dùng từ tần tảo và hi sinh để miêu tả đặc trưng phẩm cách của người phụ nữ miền Bắc. Nhiều người (cả nam và nữ) coi đó là chân lý hiển nhiên, vì họ được giáo dục mặc định như vậy và họ cũng tự nguyện gắn hạnh phúc của họ với những tư tưởng giáo điều ấy. Từ xưa xưa lắm, cụ tôi dạy bà tôi, bà tôi dạy mẹ tôi, và đến lượt mẹ dạy tôi "xuất giá tòng phu". Cụ tôi cũng sống với tư tưởng ấy, bà tôi cũng thế và đến mẹ tôi cũng vậy. Không thể phủ nhận, triết lý sống ấy đã đóng góp xây dựng và trùng tu ngôi nhà gia đình của tôi, nhưng nó cũng là nguyên nhân và động cơ thúc đẩy cho không ít thiệt thòi của nhiều người phụ nữ mà tôi quan tâm và yêu thương. Cái nếp sống ấy vẫn phù hợp với bối cảnh xung quanh, và xã hội vẫn trao những huy chương vô hình cho sự hi sinh cao cả ấy, như một sự thao túng có pha lẫn tình cảm chân thành. 

Nhưng cũng chính những tư tưởng phong kiến ấy lại tạo ra một làn gió có hồn, tạo ra vẻ đẹp biểu trưng của người phụ nữ miền Bắc, trở thành nguồn cảm hứng cho thi ca và cả khai thác du lịch. 18 năm tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, đã quen thuộc với hình ảnh những cô gái quê ngày xưa. Những cô gái ngoan ngoãn, vâng lời, bẽn lẽn, 18 19 tuổi cưới chồng, tần tảo lam lũ lao động chăm con, mạnh mẽ mà chịu nhịn, gian khó mấy cũng cố gắng vượt qua. Họ bao dung, rộng lượng. Gái quê Bắc Kỳ thường không giỏi nói lời ngọt ngào, không biết làm nũng, ấn tượng đầu tiên cũng chẳng khiến ta thấy dễ thương. Nhưng ta vẫn thương, thương vì cái cảm giác bình yên, an tâm khi ở bên cạnh họ. Lang thang mỗi nơi sống vài chút, tôi nhận ra cuộc đời này có biết bao hoa thơm cỏ lạ, từ bờ Đông sang bờ Tây, từ Bắc vào Nam, nơi nào cũng có những món mới lạ khiến ta tò mò. Nhưng rồi một ngày, người đàn ông đi mãi cũng mệt, quay đầu nhìn về nhà, thấy người vợ hiền đang lọ mọ nấu cơm trong bếp, trong nhà là mẹ già đang nhai trầu, ngoài sân là con trẻ chơi đùa. Người vợ lúi húi lau tay, trên người còn đậm mùi mắm, gọi chồng rửa tay vào ăn cơm. Trên mâm cơm có một đĩa thịt rang cháy cạnh, có đậu tẩm mắm hành, có rau muống luộc và cà pháo muối xổi. Lúc đó là lúc anh thương người vợ tần tảo ở nhà, thương nhiều hơn yêu. 


"Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.."


Người phụ nữ Bắc Kỳ, cũng giống như phong vị đồ ăn Bắc, được tả sát nhất bằng một từ "thanh". Không ngọt ngào thu hút mà giản dị, trong thanh, sâu sắc, tròn vị, vừa vặn. Một vẻ đẹp trầm ổn được cảm nhận bằng hậu vị. Dần dần lớn lên, gu ăn uống của tôi cũng gần lại với gốc gác hơn, thích hằng ngày gắn bó với mâm cơm Bắc hơn. Người Bắc ăn đồ ăn miền Nam thường hay chê, câu chê phổ biến nhất là "ăn cái gì cũng chỉ có vị đó, không phân biệt được". Người miền Nam ăn đồ ăn Bắc cũng chê, câu chê phổ biến nhất là "khó ăn, nhạt". Tôi là người lang thang giữa hai miền đất, không bênh cũng không chê bên nào. Hai gia đình của tôi nằm riêng biệt ở hai đầu đất nước, mà tôi thì đón nhận sự yêu thương của cả hai ngôi nhà lớn ấy. 

Không chỉ chuyện ăn uống, cả mĩ quan và khẩu vị cuộc sống cũng vậy. Thích ăn đồ Bắc, thích ngồi một góc nhỏ thủ thỉ những câu chuyện có chiều sâu hơn là tụ tập đông người, thích cách nói chuyện có dụng ý. Đêm trăng đẹp là đêm trăng khuyết. Ngày đẹp trời là ngày ngồi bên người mình thương và người ta cũng thương mình, bình lặng ngắm nhìn nhau, động viên an ủi nhau dù trên thân mình cả hai là bao nhiêu xước xát.


Những đêm không ngủ, tự giày vò bản thân bởi bóng tối của sự cầu toàn, tham lam muốn sống một cuộc đời trải nghiệm thật nhiều thứ, thật màu sắc và tự do, rồi lại tự làm mình mệt mỏi và kiệt sức với cái giá hiển nhiên phải trả là sự mơ hồ, hoài nghi và quá đỗi lăn tăn, tôi hay tự xoa dịu bản thân bằng những kỉ niệm đẹp về quê nhà. Hình như ai làm người lớn rồi cũng sẽ có những đêm yếu đuối như thế. Chẳng thể và chẳng dám mang tâm sự của mình ra giãi bày với ai. Chẳng có ai hiểu mình hơn bản thân mình, cũng chẳng có ai khuyên nổi mình nữa. Những kí ức thôn quê, xuất hiện dịu dàng trong đầu, làm lành vệt cháy nắng của thời tiết miền đất gần kề đường xích đạo. Mát mẻ và bình an như cái vị thanh mà đồ ăn Bắc mang lại, như bát canh rau muống luộc vắt chanh cả nhà cùng chan với cơm, ăn ở hiên nhà những tối ngày xưa mất điện, trăng sáng, hàng xóm sang chơi. 



- machnhakechuyen -
Mạch Nha kể chuyện...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến