"Sinh nhật vui vẻ, em". Cái bánh kem năm lớp bốn.
"Xin chào công chúa,
Tuổi mới sắp đến, mong em chân cứng đá mềm, mong em bình an, luôn khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc..."
________________________________________________________________________________
Sinh nhật năm mình học lớp bốn...
Ngày đó ở quê, cả xã mình chỉ có một tiệm bán bánh ngọt, bà nội gọi là "bánh Tây". Một cái bánh kem ngày sinh nhật của mấy đứa trẻ ở quê lúc đó được tính là hoành tráng và xa xỉ. Trùng hợp, dì mình vừa từ nước ngoài về chơi. Dù cuộc sống của dì lúc đó cũng rất vất vả, nhưng dì vẫn lên kế hoạch tặng mình một chiếc bánh kem hai tầng to oạch. Mình vui lắm, vênh váo đi khoe với đám bạn, đám con nít trong xóm, oai phải biết. Tới 4 giờ chiều ngày sinh nhật, mình đi học về, điều đầu tiên làm là chạy vào nhà kiếm cái bánh sinh nhật. Mẹ bảo không có bánh sinh nhật đâu, mẹ thấy nó "...không cần thiết, tốn kém, dì cũng đang cần tiết kiệm...". Mặt mình xị xuống, buồn xo. Dì nhìn thấy, khăng khăng bảo mẹ để dì mua bánh, "...còn bạn bè nó nữa...". Nhưng quyết tâm của dì không thắng được mối bận tâm trong lòng mẹ. Mình buồn và giận mẹ. Rồi chuyện cũng qua, mình cũng bận rộn với việc lớn lên và quên mất.
Sau này, người ta bán bánh kem ở khắp nơi và đủ loại, đủ hương vị, màu sắc, kiểu dáng, có dịp sinh nhật mình ăn tới bốn, năm cái bánh kem. Những ngày bình thường, mình cũng mua bánh kem, mua cho mình, mua cho bạn bè mà chẳng cần lý do gì cả. Bánh kem bây giờ, cũng giống như bánh dày, bánh dậm ngày đó ở quê, "người ta bán đầy chợ và ăn như ăn quà". Có lẽ mình không giận mẹ vì cái bánh kem bây giờ đã bình thường và tầm thường hơn ngày xưa rất nhiều. Cũng có thể mình không giận mẹ vì mình bắt đầu hiểu bản chất những khái niệm "quyết tâm của dì", "mối bận tâm của mẹ" và "cái bánh kem". "Quyết tâm của dì" tại thời điểm đó là mong muốn được chăm sóc, bù đắp cho người thân sau vài năm tha hương cầu thực. Bù đắp cho người mình yêu thương cũng chính là tự bù đắp cho những thiếu thốn, thiệt thòi, vất vả, lẻ loi,..của chính mình khi xa nhà. "Mối bận tâm của mẹ", trước hết là xót tiền cho em gái, thương em vất vả, muốn tiết kiệm cho em. Nhưng hình như "mối bận tâm" vẫn còn một cái rễ nhỏ và dài, cắm sâu xuống đất, có lẽ là sự biết điều đến khắt khe hình thành từ một cái bối cảnh ngột ngạt: nông thôn miền Bắc 20 năm trước, phụ nữ, giáo điều... Bối cảnh ấy giống như một cuộn len rối, bên trong là mẹ. Ở bên trong một cuộn len rối có lẽ rất ấm áp, an toàn và đẹp nữa, trong khi thế giới ở ngoài đầy rẫy chuột, bọ, rắn, gián. Khi mình ở trong một cái lồng, mình sẽ thấy thế giới bên ngoài chỉ toàn những hiểm nguy. Tại thời điểm bước ra khỏi cuộn len của đời mình, mẹ mình đã vui, háo hức, cũng lo lắng rất nhiều.
Có lẽ sẽ chẳng còn nhiều những "mối bận tâm" như vậy ở thời đại này, khái niệm "nông thôn miền Bắc 20 năm trước" cũng đã đi vào dĩ vãng. Những tư tưởng giáo điều cũng không còn rõ ràng nữa, có lẽ vẫn còn hình bóng mờ nhạt ở đâu đó, nhưng cũng sẽ bị che lấp bởi hào quang của một lố những thứ mới mẻ, màu sắc, có cả tốt lẫn xấu, cả độc nhất lẫn dị hợm...đang nhiều lên từng ngày. Giai đoạn nào cũng có nét đẹp và nét dở của riêng nó, lựa chọn chấp nhận và tận hưởng có lẽ là lựa chọn an toàn và dễ dàng, an yên nhất. Mình nhận ra mình nhỏ bé và bất lực biết bao khi đứng trước thế giới này, khi đối diện với từng sự việc nhỏ hằng ngày, khi đối diện với vấn đề của bản thân, khi nhìn xuống những cái giếng sâu hoắm của người khác, lại thấy một mớ dây cà dây muống khác.
Đống chữ này hoàn toàn có thể không xuất hiện nếu không có sự vắng mặt của cái bánh kem năm lớp bốn.
Nhận xét
Đăng nhận xét