Người khác thấy ta đẹp là vì họ thương ta. Ta thấy mình đẹp là vì ta thương mình.
"Người khác thấy ta đẹp là vì họ thương ta. Ta thấy mình đẹp là vì ta thương mình."
Tôi cũng không biết tại sao tôi lại bịa ra một cái quy tắc trái khoáy là "Ngày Chủ Nhật ở Sài Gòn thì không mặc áo khoác". Và tôi đã thật sự tuân theo quy tắc đó một cách nghiêm túc. Việc không mặc áo khoác đi ở đường Sài Gòn lúc 12 giờ trưa sẽ khiến tôi đen đi, đổi lại, nó khiến tôi thấy rất dễ chịu trên phương diện tinh thần. Lúc đi chơi, đi du lịch, tôi cũng không mặc áo chống nắng, điều này đã thành thói quen. Thói quen lặp đi lặp lại có thể hình thành nên định kiến. Dần dần, tôi tự mặc định rằng "một buổi đi chơi sẽ không thật sự là đi chơi nếu mặc áo chống nắng". Và tôi là một con nhỏ trung thành với những gì mình tin tưởng. Nắng trên núi Tri Tôn ở An Giang, nắng ở biển Sầm Sơn Thanh Hóa, nắng xứ Nghệ, nắng trên núi Bà Đen Tây Ninh, nắng ở biên giới Campuchia, nắng xuyên qua lá trong rừng cao su ở Bình Phước, nắng lung linh trên mặt sông Cần Thơ,...những cái nắng đó cũng không thắng được độ lỳ của tôi.
Ngày xưa lúc là một cô bé mới lớn, tôi cũng thích làm đẹp, làm điệu. Nhưng vì còn nhỏ và thiếu hiểu biết, tôi thật sự cho rằng có thể "xinh đẹp một cách tiết kiệm". Thật là một suy nghĩ vô tri và ngây thơ. Hồi đó tôi rất quyết liệt, cái gì nghĩ là làm luôn, nên tôi đã đắp đủ loại mặt nạ thiên nhiên từ bột trà xanh, bột đậu đỏ, lòng trắng trứng,.. đến kem đánh răng. Mẹ khuyên tôi đừng đắp linh tinh. Tôi cũng có nghe lời mẹ, nhưng cái sự cứng đầu của tôi lại túm hết mấy lời khuyên của mẹ cho vào bọc nylon, quăng ra khỏi đầu rồi đóng sầm hai cái màng nhĩ lại. Sau khi tin tưởng đủ thể loại tips làm đẹp trên báo mạng một thời gian, tôi không xinh lên cũng chẳng xấu đi, nhưng mệt mỏi gia tăng và tiền quà vặt ít đi thì thấy rõ.
Có vẻ ở lứa tuổi ẩm ương của tôi lúc đó, trở nên xinh đẹp bắt đầu là mối quan tâm của cả đám con gái lẫn con trai. Tụi con gái bắt đầu thích soi gương và hay mắc cỡ. Tụi con trai bắt đầu thích làm mấy trò con bò (mà lúc đó có lẽ tụi con trai sẽ nghĩ làm vậy là ngầu). Lên lớp 10, sau khi hoàn thành kì thi cấp ba, lại thêm cái nền học chuyên hồi cấp hai, bạn bè cấp hai học cùng lớp cũng rất đông, tôi tự cho phép bản thân không cần suy nghĩ nhiều về việc học (và hình như nhiều đứa bạn của tôi cũng thế). Và thế là cô bé HA bắt đầu để ý đến các bạn nam. Thay vì ngồi học tính vector, gia tốc, quán tính, cấu trúc ti thể,..thì tôi thấy đọc các tips làm đẹp, drama trên kenh14, Zingnews, Afamily,...hấp dẫn hơn. Cách cái đầu to não trái nho của tôi định nghĩa về từ "xinh đẹp" cũng rất ngắn và nông. Nếu có thể leo lên cỗ máy thời gian và ngược lại quá khứ để bắt lỗi bản thân, tôi nhất định sẽ quay về giai đoạn 2012-2015 nhắc từng HA của từng năm, rằng bé à, bé đang nhầm lẫn giữa "xinh đẹp" với "ngoại hình đẹp". Nhưng HA của những năm đó không thấy nó xinh, nên chắc chắn nó sẽ lôi cái sự tự ti về ngoại hình ra mà tranh cãi với tôi. Nó không nhận ra rằng, cái thứ mà nó đang cố thay đổi, là vẻ đẹp tiềm ẩn mà tôi của nhiều năm sau này phải cố gắng nhặt nhạnh và nuôi dưỡng, còn cái thứ "xinh đẹp" mà nó đang theo đuổi, chỉ là một đống quy chuẩn được thiết kế bởi truyền thông, mạng xã hội, tâm lý tuổi dậy thì.
2. Trước giao thừa, tôi có thói quen viết một tờ giấy nhỏ ghi lại những điều ước. Lúc học đại học, tôi đã ước "trở nên xinh đẹp" mấy cái năm mới liền. Dạng thức thể hiện của điều ước ấy sẽ khác nhau theo từng năm, có lúc là "hết mụn", hoặc "trắng lên", hoặc "giảm cân", hoặc "vai nhỏ lại", "mặt nhỏ lại", "tóc mượt",...Tôi cũng từng ước mình lúc lớn sẽ giàu, có nhiều tiền để hiện thực hóa những điều ước kia. Những điều ước ấy tuy có vẻ lắt nhắt, con con và xíu xíu, nhưng tại thời điểm đó, chúng đã được tôi xếp ngang hàng với những điều ước rất vĩ đại như "ước gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc", "mong năm sau em trai thành tích tốt tốt tốt nữa",...Học đại học xa gia đình giúp tôi tự lập và trưởng thành hơn. Tôi nhận ra rằng ba mẹ chiều chuộng và chịu nhịn tôi nhiều thế nào, kiếm tiền rất khó nên phải chi tiêu hợp lý, xã hội này có nhiều kiểu người, một vấn đề cần được nhận định từ nhiều góc nhìn,...Tôi cũng không thấy những chàng trai, cô gái theo cái quan điểm "xinh đẹp" của tôi hồi cấp hai, cấp ba là xinh đẹp nữa. Những chàng trai tôi thích thầm và thích công khai hồi đại học, đều là những người có ngoại hình bình thường trong mắt mọi người, nhưng họ đẹp và tỏa sáng với tôi. Có lẽ là vì họ khiến tôi tìm thấy những liên kết thú vị, vài điểm tương quan sâu sắc, sự che chở, an toàn, cảm giác được trân trọng,..v..v...Khi tầm nhìn bới nhiễu bởi cảm xúc yêu đương mãnh liệt, những chàng trai ấy cũng bớt lấp lánh hơn, nhưng họ vẫn đẹp trong mắt tôi vì sự tử tế. "Hoặc có thể là vì em may mắn khi toàn gặp được người tử tế và thật lòng", một ông anh từng bảo tôi như vậy. Tôi cũng nghĩ vậy.
3. Chúng ta sẽ trưởng thành với hành trang là những bài học cuộc sống. Vì trên đời không có thứ gì là miễn phí, đôi khi ta phải trả giá đắt để tìm được đáp số đúng nhất. Tình yêu chân thành, tận tụy, trách nhiệm, tử tế là bài học ngọt ngào cho nhiều giá trị tích cực nhất. "Hóa ra trên thế giới này, ngoài gia đình mình ra, còn có người thấy mình xinh đẹp đến vậy, ngay cả lúc mình xấu xí, luộm thuộm, thất bại, khó khăn đến thế". Sẽ luôn luôn có câu trả lời đồng tình khi tôi hoài nghi bản thân và hỏi "Em có xinh không?" dù là lúc tôi có đường cong chữ S hay đường cong bánh mì. Tôi nhớ lại ngày xưa học bài Chí Phèo của Nam Cao, cô giáo đã đùa rằng đến xấu nức tiếng làng Vũ Đại như Thị Nở cũng vẫn có người khen xinh. Sau cùng, "Vẻ đẹp không nằm trên gò má của người thiếu nữ mà nằm trong đôi mắt của kẻ si tình". Người khác thấy ta đẹp là vì họ cũng thương ta. Ta thấy mình đẹp là vì ta cũng thương mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét