Đôi tay xấu xí.
"And I see nothing wrong with us...
You go down just like a holy Mary
Mary on a cross...Mary on a cross.."
Tôi có một đôi tay xấu xí, vì nguyên bản nó là một đôi tay gân guốc xương xẩu, không được chủ nhân giữ gìn mà hằng ngày lại còn bị đem phơi một vài tiếng đông hồ dưới cái nắng Sài Gòn chói chang. Lựa chọn công việc cũng không ủng hộ tôi làm móng hay chăm sóc móng. Nhưng đó không phải lý do khiến tay tôi xấu. Bàn tay tôi xấu vì những thói quen xấu của tôi.
Hồi nhỏ tôi viết chữ rất xấu. Lên lớp ba, cô chủ nhiệm, cô Hằng, một giáo viên luyện chữ đẹp có tiếng trong trường đã tặng tôi một cây bút mực rất xịn. Cây bút đó giá hai mươi ngàn, ngòi bút là loại phải đặt trước cả tháng trời từ nhà sách. Điều quan trọng hơn, cô là giáo viên đầu tiên đặt niềm tin ở tôi và kiên nhẫn thuyết phục tôi tin chính bản thân mình. Mẹ tôi vẫn luôn tin tôi, bà ngoại cũng vậy. Nụ cười của bà ngoại khi nhìn những trang vở đẹp của tôi khiến tôi muốn viết chữ đẹp hơn nữa, hơn nữa. Chỉ là tôi cầm bút sai cách, và khá khó nhận diện ra điều đó, kể cả cô Hằng và mẹ tôi cũng không phát hiện ra. Tôi bắt đầu có những vết chai trên ngón tay từ cấp một, khởi điểm của đôi bàn tay xấu xí bắt đầu từ đây.
Cấp hai, cấp ba, cũng như những đôi bàn tay của cô cậu học trò nông thôn khác, đôi tay của tôi cũng cầm bút bi viết ngoáy, đôi lúc chép phao, ký tên dưới bản kiểm điểm, gấp hạc, chuẩn bị đồ trang trí lớp trong những ngày lễ. Đôi bàn tay cũng bế em những ngày được nghỉ học buổi chiều, đút bột cho em ăn một cách vụng về, nạo vỏ khoai tây cà rốt, nhặt rau, rửa bát. Công việc nặng nhọc nhất mà tôi phải làm lúc đó, có lẽ là nhặt lông vịt cùng mẹ vào sáng mùa đông. Mùa đông miền Bắc những năm ấy lạnh hơn bây giờ, cũng không có mạng xã hội, Internet và smartphone cũng chưa phổ biến. Lúc ngồi nhặt lông vịt cùng mẹ, tôi sẽ nghe thấy tiếng loa xã vọng lại, tiếng chú trưởng thôn thông báo về vụ cấy sắp tới, tiếng nhạc Anh Thơ, đôi khi có cả nhạc Super Junior nữa. Gió bấc thổi tay ướt lạnh cóng. Đôi bàn tay của tôi nhăn lại, tôi không thích công việc nhặt lông vịt giữa cái tiết trời mùa đông này chút nào. Nhưng không hiểu sao sau này, khung cảnh ấy khiến tôi nhớ về rất nhiều, và cảm giác rất bình yên, dễ chịu.
Lên đại học, cuộc sống xa nhà, áp lực từ những kỳ vọng phi lý ở bản thân và bức tranh gia đình lúc đó khiến tôi bắt đầu nghĩ về tiền nhiều hơn, cũng biết sợ nhiều thứ hơn. Tôi không biết kiếm tiền từ đâu ngoài việc đi gia sư, nên tôi tự nhủ mình phải tiết kiệm. Bà ngoại tôi có một cái mô hình vườn cây ao cá to to. Hai năm đầu đại học, tháng nào tôi cũng tranh thủ về thăm ông bà và xách một đống rau, cá của ông bà đi. Bà tôi là một người bà trong sách giáo khoa của học sinh tiểu học, nghĩa là bà có tóc bạc, hiền lành, chiều cháu và rất tâm đắc với việc trồng rau, nuôi gà. Tôi sẽ vừa nhặt cỏ cùng bà trong vườn, vừa nói xấu mẹ tôi. Ông ngoại sẽ ở gần đó nghe hai bà cháu nói chuyện, đánh một mẻ cá hoặc lôi mấy con cá đông đá trữ sẵn trong tủ lạnh ra đưa cho tôi và bảo tôi mang về kho rồi đem ra chỗ trọ. Có lần ông tát ao, tôi, cậu mợ và các dì ngồi mổ một đống cá trắm, cá trôi, cá rô phi, vừa làm vừa chuyện trò rôm rả. Đôi tay tôi dính toàn vảy cá và đầy bùn, ngạnh cá rô phi đâm vào tay thành những vết xước dài rớm máu, nhưng với tôi những vết xước ấy giống như một loại thành tích vậy. Vì tay của chú dì, cậu mợ tôi lúc đó cũng vậy, tay các bác tôi bên nhà nội cũng vậy. Ông bà, ba mẹ tôi, các bác, chú dì, cậu mợ cũng tự gầy dựng lên mọi thứ, rồi cũng thành công, cũng đủ sống, được tôn trọng, cũng quay về gạn ao, mổ cá, nhặt cỏ, cuốc đất cho ông bà.
"Gia đình, trong từ điển của em, hình như được định nghĩa khác với số đông. Gia đình không phải chỉ có ba, mẹ và các con, mà là một gia đình lớn, có ông bà, các bác, cậu mợ, chú dì, chú thím, các anh chị, các em, các cháu. Khi em nói em ưu tiên gia đình hơn mọi thứ, nghĩa là em ưu tiên cái quần xã to đùng ấy hơn mọi thứ, dù một nửa ở ngoài Bắc và một nửa ở trong Nam. Nếu có thể cắt đôi người em ra như cắt đôi một quả dâu tây và đặt lên hai cái bánh kem, thì thật tốt..." Cả hai gia đình của tôi, ở hai đầu đất nước, đều yêu thương tôi và muốn tôi sống gần họ, là một phần cuộc sống của họ. Mỗi lần vào Nam ra Bắc và ở lại lâu hơn một tuần, tôi đều mất hơn một tháng đề bình ổn bản thân.
Đôi bàn tay nhặt lông vịt và mổ cá rô phi ấy, đại diện cho cái nét gái quê Bắc Kỳ, là những thứ mà tôi từng muốn chối bỏ và tự ti, bằng những trang phục, phụ kiện, bằng các loại giấy tờ hành chính, bằng những trải nghiệm cao giá hơn so với mặt bằng chung. Những suy nghĩ và cảm xúc xấu xí ấy đã từng xuất hiện trong đầu tôi lúc tôi mới lên đại học, lúc tôi là con bé nhà quê lếch thếch xách đồ lên những thành phố lớn học và chơi. Rồi những suy nghĩ ấy được hiện thực hoá khi con bé bắt đầu kiếm được chút tiền. Khi đi và sống ở nhiều nơi hơn, khi may mắn được gặp những người tài giỏi, những người mà với tôi, họ là những tinh anh của xã hội ở nhiều ngành nghề khác nhau và cũng đến từ nhiều tinh thành, nhiều đất nước khác nhau, phải gặp và nói chuyện với họ, tôi mới nhận ra cái đặc điểm nhận dạng đặc trưng, đẹp đẽ, đáng tin, khiến người ta nhớ nhất của tôi, là cái thứ tôi đã từng cảm thấy xấu hổ và thua kém kia, là cái nét gái quê Bắc Kỳ.
Sự giàu có, năng lực kiếm tiền, gương mặt, hình thể, khả năng nói chuyện,...có thể tìm thấy ở rất nhiều người. Chúng đều là những thứ có thể kiếm và học được, là một dạng trang sức ngoài thân giúp ta trở nên rực rỡ và đáng tin. Chúng cho ta cơ hội, nhưng năng lực mới là thứ biến cơ hội thành sản phẩm. Chất lượng của sản phẩm ấy cộng với uy tín và rất nhiều may mắn gộp lại mới có thể tạo ra loạt sản phẩm.
Tôi muốn người ta nhớ đến tôi, là một con nhỏ xinh xắn, vui vẻ, lạc quan, dù ở những tình huống dở hơi nhất thì trông vẫn rất nhẹ nhàng. Tôi cũng muốn khi nhắc đến tôi, người ta sẽ nói "...uhm, con bé này tuy hơi....nhưng việc này chắc chắn nó không làm đâu, nó không phải kiểu người như thế."
Cái nét gái quê Bắc Kỳ ấy nhắc nhở tôi, dù đi đâu hay ở đâu, nhất định không khiến gốc gác của mình bị nhem nhuốc. Người Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình hay nói ngọng "l" và "n", tôi cũng vậy, lúc ở quê, tôi cũng nói ngọng, giờ vẫn ngọng. Nhưng khi xa quê và đứng ở trên một mảnh đất khác, khi phải thuyết trình trước đám đông, tôi sẽ cố gắng tự điều chỉnh lại giọng nói của mình. Tôi muốn nói tiếng Việt, giọng Bắc thật hay, muốn để lại ấn tượng tốt đẹp về quê hương của mình tới những người mà tôi tiếp xúc. Một ngày nào đó, khi bất chợt có một khoảnh khắc ai đó tôi quen nhắc đến vùng đất mà tôi sinh ra, họ có thể không nhớ ra tôi, nhưng họ sẽ nhớ ra cái ấn tượng của họ về một người nào đó họ mà họ từng gặp, đến từ mảnh đất ấy, ít nhất là một ấn tượng tốt đẹp.
"Muốn nhìn thấu ai đó, hãy nhìn vào đôi bàn tay của họ." Tôi nghĩ điều này đúng. Tôi là kiểu người sẽ ăn mặc chỉn chu và trang điểm kỹ, nhưng gần như không chăm sóc da tay. Tôi cũng được tặng và mua nhiều kem dưỡng da tay, nhưng tôi chỉ thích nhìn chúng và tận hưởng cảm giác an tâm chứ không dùng. Tôi thích chăm sóc bản thân, nhưng chỉ là cảm giác thích, chưa biến chúng thành thói quen. Cũng không biết từ bao giờ, tôi bắt đầu lôi những vết chai tay của mình ra hành hạ mỗi khi căng thẳng hoặc tập trung. Có lúc, tôi dùng dao lam cứa vào phần da chai tay dày và cứng ngắc, đôi khi sẽ bị chảy máu, nhưng tận hưởng cảm giác mảnh da bong và rời ra khiến tôi thấy rất đã. Sau đó một thời gian thì tôi biết đó là biểu hiện của một dạng tâm lý đang bị ốm. Khi khỏi ốm, tôi vẫn không bỏ hẳn được thói quen đó. Những lúc căng thẳng, phải suy nghĩ hay tập trung, tôi hay bấm vào phần chai tay dày nhất. Những lúc thấy dễ chịu, an toàn, tôi sẽ cạy phần da tay bị chai ra (đôi khi cũng chảy máu).
Tôi có một đứa bạn, mỗi khi chúng tôi nói chuyện và nó thấy tôi theo thói quen đang cấu và bóc phần da chai tay ở ngón tay cái, nó sẽ nắm lấy ngón tay của tôi và lại tiếp tục nói chuyện. Ít nhất là tại thời điểm đó tôi sẽ không bóc phần da chai tay kia được nữa. Những vết thương tâm lý của tôi, cũng giống như gốc gác của tôi, đôi khi cũng bị dán nhãn. Nhưng cũng có những người sẵn sàng ôm lấy chúng, giống như một câu văn tôi đọc được trên mạng "Người yêu bạn sẽ nhặt từng mảnh vỡ của bạn, vừa nhặt vừa ôm vào lòng và bảo "Mảnh này là của tôi, mảnh này cũng là của tôi."".
Đôi bàn tay là một phần body language của tôi. Đôi bàn tay càng lớn càng gõ phím nhiều hơn, cũng được ký những chữ ký...tự hào hơn. Tôi chọn chuyên ngành này, một phần cũng vì đem lòng mến mộ những đôi bàn tay cầm dao mổ. Rồi sau đó, tôi phát hiện ra những đôi tay lúc vẽ tranh, lúc thiết kế cũng đẹp, đôi tay lúc nấu ăn cũng đẹp, đôi tay lúc lấy mẫu bệnh phẩm cũng đẹp,... Công việc của họ khiến đôi bàn tay họ trông thật đẹp.
Nhận xét
Đăng nhận xét