NGƯỜI LỚN CŨNG HAY KHÓC NHÈ



"Cảm giác này, một trải nghiệm cảm xúc, giống như một dạng đi du lịch vậy. "




Những lúc mệt, tôi hay đi vào nhà thờ ngồi. Tôi không theo tôn giáo nào cả, chỉ là muốn tìm một chỗ thoải mái và an toàn để ngồi, và có thể khóc. Ở Sài Gòn, nhà thờ Công giáo và chùa Phật Giáo là những công trình tôn giáo phổ biến hơn cả. Tôi chọn ngồi ở nhà thờ, vì nhà thờ có những dãy ghế ngồi dài, và không có khói nhang. 

Người ta hay nhìn nhận chuyện khóc lóc như một điều gì đó bất hạnh, đó là bởi vì mọi người quen với việc "đẹp khoe, xấu che" và ai cũng nghĩ khóc là điều gì đó xấu xí. Ai cũng cố nín khóc, cố để không khóc. Còn tôi thì nguyên bản đã hay khóc rồi. Hồi bé ngủ ở xa nhà chút là khóc, bị bạn trêu cũng khóc, hôm nào bị nặng lời chút là ấm ức tức tưởi cả ngày. Bây giờ tôi ít khóc hơn, nhưng so với mọi người có lẽ vẫn tương đối nhiều. Khóc là một cách tốt để giải toả cảm xúc với tôi, đơn giản, tiết kiệm thời gian, không làm phiền ai, cũng không phát sinh thêm hiểu lầm nào. Giao tiếp là một công cụ kết nối, cũng là nguồn cơn của rất nhiều hiểu lầm. 

Khi nhìn thấy một ai đó khóc, nhìn thấy người vô gia cư, nhìn thấy một hoàn cảnh éo le nào đó, tôi sẽ xúc động một chút, thoáng qua thôi. Tôi không cho rằng những điều đó là khổ. Chúng ta có là ai đâu, chúng ta chẳng là ai cả, chỉ là những người qua đường đang coi chuỗi thước phim, thì thầm phán xét với nhau, hoặc kín đáo tự giấu những phán xét ấy đi, hoặc cố kìm nén để chúng không xuất hiện trong tâm trí. Cuộc đời của họ, họ là nhân vật chính, chỉ khi họ cảm thấy khổ thì cuộc đời ấy mới thật sự đáng thương. Khóc với tôi cũng vậy. Thế nên khi nhìn thấy ai đó khóc, tôi sẽ để họ khóc thật tự nhiên, giúp họ khóc dễ dàng hơn bằng việc đưa một cái khăn giấy nếu có, hoặc đôi khi có thể là hộp phấn phủ. 

Khi bạn khóc một cách lí trí, bạn sẽ khóc một cách khoa học, có kế hoạch hơn. Tôi không khóc lúc đi đường, sẽ mất tập trung và rất nguy hiểm. Cũng không khóc trước mặt bạn bè hay người thân, họ sẽ lo lắng cho tôi và giải thích cũng...hơi mệt, giải thích xong cũng không đi đến đâu "Mình sẽ bị phân tâm...không tập trung khóc được, thậm chí còn khiến mình uỷ mị và dựa dẫm hơn nữa.". Với tôi, khóc cũng là một phạm trù giống như cười, ăn uống, quần áo, công việc,...nghĩa là đều cần làm cho..."có hồn" chút. Không thể khóc trước mặt người lạ hay nơi đông người. Tôi nghĩ kiểu khóc này giúp detox cảm xúc khá tốt. Nó không giống như lúc tôi khóc vì trầm cảm ngày xưa. Vì ngày xưa tôi khóc một cách thảm hại, ăn uống sinh hoạt đều bị đảo lộn. Còn hiện tại mọi thứ rất có quy tắc, tôi cũng khóc với một cái mặt được trang điểm đẹp. Cảm giác này, cũng giống như một trải nghiệm cảm xúc, giống như một dạng đi du lịch vậy. 


Tôi vẫn cứ là đứa trẻ suốt ngày khóc nhè


...từ lúc còn bé tí, 3 tuổi được mẹ gửi sang nhà ông bà ngoại để mẹ đi làm. Tôi khóc um sùm chỉ tay hướng về nhà. Ông bà và cả nhà đều cười bảo "Thế này thì sau này làm sao mà lấy chồng xa được...". Lớn lên, tôi cứ đi miết, đi mãi, đi đến bỏ lỡ cả những cuộc gọi của ông bà. Ba mươi Tết vừa rồi, sau khi "trốn" hai cái Tết liên tiếp, tôi mới về nhà, cậu tôi giận tôi luôn. Cậu tôi bơ tôi cho đến lúc nghe mợ và tôi trò chuyện lúc nhặt rau, mợ hỏi "Có hay gọi điện về cho bố mẹ không?" và tôi trả lời lí nhí trong họng "Cháu ít gọi về lắm...tại vì có vấn đề gì ba mẹ cũng không giải quyết được, nếu được, cháu cũng không muốn ba mẹ phải giải quyết...cháu tự lo được mà, cháu vẫn sống tốt mà." Chắc là cậu thương tôi, nên nghe xong cậu hết giận luôn, cậu gọi tôi ra bảo tôi xem cậu chặt gà. 


...đến lúc lên cấp 1 bị mấy thằng con trai trêu. Tôi không khóc lúc bị trêu, tôi chỉ khóc lúc được bạn thân đứng ra bênh khi mình bị trêu. 


...đến lúc lên cấp hai lần đầu bị bắt nạt ở trường, mẹ tôi buổi trưa chạy xe đâu đó 15 km lên để an ủi. Thi đội tuyển được thầy tin tưởng chọn đầu tiên nhưng cứ liên tục xếp bét, cảm thấy mình ở cái đáy của xã hội, tôi cũng nhìn nhận bản thân như cái cách thế giới nhìn nhận tôi - không chút niềm tin nào. Sau này tôi mới nhận ra tôi rất lì, và những người lì lợm có thể đi chậm, đi sau, nhưng họ vẫn sẽ tới đích. Miễn là đừng định hướng sai. "Thế giới này có thể nghĩ quần què gì về mình cũng được, mình "chỉ được như thế này thôi", mình "dở", mình "không có cái gì ngoài cái mã", mình "kém"..v...v.., kể cả điều đó có vẻ thật sự đúng với hiện tại, thì mình cũng không được tin đó là thật. Thi thoảng mệt quá thì ngồi xuống khóc xíu. Xong rồi tô lại son và tiếp tục xinh đẹp. "Stay fabulous.".


...đến lúc lên cấp ba, lúc xảy ra những chuyện không vui trong nhà, lúc thi học sinh giỏi lớp mười hai, lúc biết kết quả thi đại học, khi kết quả không như ý, tôi đều khóc. Nhưng có một lần khóc làm tôi nhớ nhất, là lúc tôi tham gia chương trình ngoại khoá trình diễn thời trang cùng với lớp. Lúc đó chúng tôi học lớp 12, dịp 26 tháng 3 lại là lúc sắp thi đại học. Giám khảo chấm tiết mục là thầy dạy Hoá của chúng tôi, thầy là một thầy giáo tuyệt vời và là người thầy tôi biết ơn nhất những năm học cấp ba. Cũng không hiểu vì điều gì, khi thầy nhắc đến tiết mục của lớp tôi trong giờ học, tôi lại đứng dậy và nói "Thưa thầy, chúng em biết tiết mục của chúng em còn thiếu sót, chúng em sẽ hoàn thiện thêm ạ...nhưng thật sự là cuối cấp, chúng em đã cố hết sức rồi ạ..".Nửa sau của câu trên, tôi đã phát âm bằng giọng của một đứa sắp khóc tới nơi. Nói xong câu thì tôi gục mặt xuống bàn và...khóc thật, hình như lúc đó các bạn đang vỗ tay và thầy đang cười, tôi cũng không chắc lắm. 


...đến lúc lên đại học và để những vấn đề tâm lý bóp chẹt mất hơn hai năm, tôi thu thập thêm được trải nghiệm khóc của một người trầm cảm. 


...đến lúc mở lòng ra với thế giới, sống lạc quan và vui vẻ trở lại, khi những câu chuyện buồn trong quá khứ được xếp lại ngay ngắn hơn, đến khi tôi bắt đầu được yêu, biết yêu, biết cảm giác bị tổn thương bởi tình yêu và làm những người yêu mình tổn thương, trải nghiệm khóc của tôi đa dạng hơn. 


....đến khi tự mình biết cách yêu thương lấy mình và làm điều đó cũng tạm, tôi vẫn chẳng thay đổi. 

Người lớn cũng vẫn khóc nhè, họ thật ra là những đứa trẻ to xác giỏi che giấu cảm xúc, nhưng thế giới của họ cũng rộng lớn hơn nên họ cũng có nhiều lý do để khóc hơn. Cuộc đời của mỗi người lớn đều có những câu chuyện riêng, cuộc đời nào cũng may mắn và cuộc đời nào cũng...buồn. Những cái may mắn, cái buồn đó, gọi là những góc khuất. Có những góc khuất xấu xí lắm, cũng có những góc khuất rất xinh đẹp, và những người lớn có xu hướng giấu chúng đi. Khi ai đó cho chúng ta nhìn thấy góc khuất của họ, nghĩa là chúng ta đang giữ một vị trí quan trọng với họ, hoặc ít nhất họ tin ta.



*bài viết rất cũ*


Nhận xét

Bài đăng phổ biến