"Cảm giác lúc đó như thế nào? những người trầm cảm, họ cảm thấy thế nào?"

Tôi thích chạy xe máy, vì sẽ có rất nhiều thời gian độc thoại nội tâm khi ở một mình, thường là lúc tôi chạy xe máy và lúc cà phê trưa của tôi.

Hôm nay là một ngày thật mệt mỏi. Điều khiến ngày hôm nay mệt mỏi là mọi diễn biến đều bình thường, nhưng lại khiến tôi cảm thấy bí bách, ngột ngạt và rất khó chịu. Cái cảm giác này khiến tôi nhớ lại lúc tôi bị trầm cảm hồi năm hai đại học. Gần đây, một vài người bạn của tôi nhắc đến cụm từ “trầm cảm” nhiều hơn bình thường. Có vẻ trầm cảm, hay những vấn đề tâm lý nói chung đã dần trở nên phổ biến hơn, hoặc cũng có thể những vấn đề tâm lý ấy vẫn luôn tồn tại ở đó, chỉ là trước đó người ta coi chúng như những đám mây mù, thứ gì đó vô thực. Còn bây giờ, xã hội đã cởi mở hơn, ít nhất là người ta thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề tâm lý ấy.


_______________________________________________________________________________

Cảm giác lúc đó như thế nào? những người trầm cảm, họ cảm thấy thế nào?

Thế giới lúc đó như một cái hố tối đen. Ban ngày, tôi đi đến trường đại học trong bộ dạng của một đứa con gái vui vẻ, hoạt bát, vô ưu. Nhưng khi từ trường về phòng trọ, một đám mây đen từ từ xuất hiện và gia tăng kích thước👀. Đám mây khiến bầu trời trong lăng kính của tôi tối tăm hơn, cảm giác giống như là trời luôn sắp mưa vậy. Khung thời gian của tôi bị đảo lộn một cách vô thức. Tôi không học bài, cũng không có hứng thú làm điều gì, không lướt mạng xã hội, không vẽ tranh, không nấu ăn. Những sở thích dần dần trở nên mờ nhạt, quan trọng là tôi không nhận ra rằng chúng là vấn đề. Cũng không hiểu từ khi nào, tôi bắt đầu khóc nhiều hơn. Dần dần, khóc bỗng trở thành một thói quen, được đưa vào thời gian biểu của tôi. Chiều đi học về, tôi sẽ tắm rửa, dọn dẹp qua loa chút, có thể ăn một món gì đó hoặc bỏ bữa luôn, tới 7 giờ tối, thay vì ngồi vào bàn học hay ra ngoài gặp gỡ bạn bè hoặc làm một trò con bò gì đó, thì tôi sẽ nằm trên giường và khóc. Tôi khóc rất tự nhiên, khóc không cần lí do gì cả, cũng không hiểu vì sao mình lại khóc. Tôi còn tận hưởng cái cảm giác ấy, nó khiến tôi cảm thấy rất rõ rằng mình đang sống. Lúc đầu, tôi không nghĩ mình có vấn đề gì cả, có lẽ mình chỉ đang hơi mệt một chút và hơi rảnh nhiều chút thôi. Nếu tôi bận bịu hơn, tôi sẽ không nghĩ lung tung hay khóc lóc nữa. Nhưng tôi không thể bận được, tôi rất muốn bận, nhưng không thể làm được điều gì cả, vì mỗi khi bắt đầu làm một việc gì đó, tôi lại bắt đầu chán ghét nó. Cái cảm giác chán ghét ấy giày vò nhận thức và lý trí của tôi, khiến tôi càng chán ghét bản thân hơn. Mọi thứ diễn ra trong một vòng tròn. Mọi thứ nối đuôi nhau lặp đi lặp lại.

Thời gian khóc của tôi tăng lên, không chỉ khóc sau 7 giờ tối nữa, tôi bắt đầu khóc cả trên đường đi học về, khóc trước khi đi học. Tôi bắt đầu sợ ở một mình, vì khi ở một mình, tôi sẽ khóc. Tôi ra ngoài nhiều hơn, đạp xe loanh quanh, đi ra quán cà phê nhiều hơn, tôi làm điều đó vì chính tôi cũng lờ mờ nhận ra được điều gì đó không ổn trong thế giới của mình. Quãng thời gian đó, tôi không nói rõ vấn đề của mình cho ai cả. Tôi thử nói với mẹ, mẹ bảo rằng, có lẽ là do tôi mệt quá thôi. Tôi thử kể với một vài người bạn rằng tôi bị trầm cảm, nhưng mọi người cho rằng đó là một câu nói đùa. Không có lý do gì mà một đứa hay cười và cợt nhả như tôi lại bị trầm cảm cả.

Tôi cho rằng có lẽ sức chịu đựng của mình kém, rằng chỉ là mình nghĩ nhiều, nhưng nếu hỏi tôi nghĩ gì thì tôi lại không trả lời được. Cho đến khi đống hormon trong cơ thể tôi rối loạn, biểu hiện bằng chuỗi  ngày rối loạn kinh nguyệt, mụn nổi chi chít trên mặt, tóc rụng thành nắm, và không thể tìm thấy bất kì một cái nguyên nhân thực thể nào, tôi mới nghĩ rằng "Có lẽ mình stress nhiều hơn so với người bình thường rồi". Có lẽ tôi phải đi khám tâm lý thôi.

Mẹ tôi bắt đầu lo lắng cho tôi, mẹ bảo rằng mẹ chỉ mong tôi không sao.


Tôi bắt đầu đi khám tâm lý sau đó, tranh thủ lúc tôi lên Hà Nội. Tôi đi một mình, không nói với bạn bè, không nói với người thân. Thật lòng thì lúc đó tôi cho rằng, một nửa trong số đó sẽ tin tôi và trở nên lo lắng quá mức và cái phản ứng ấy sẽ khiến tôi thấy bản thân mình thật phiền. Một nửa còn lại sẽ cho rằng tôi đang làm quá mọi thứ và cái phản ứng ấy sẽ khiến tôi tổn thương. Tôi nghĩ rằng, cái suy nghĩ ấy, cái cách suy nghĩ ấy, có lẽ cũng là một trong nhiều gốc rễ sâu xa nào đó khiến tôi lâm vào tình cảnh như hiện tại. Tôi cũng hiểu rằng, việc đi khám, nghe tư vấn tâm lý rồi nắm trong tay một vài viên thuốc xinh xắn chỉ là giải pháp cứu cánh tạm thời. Tôi phải giải quyết căn nguyên của vấn đề, phải tìm những con sâu, con kiến nhỏ đang bò trong suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tôi phải tự cứu lấy mình.

Khi bạn có suy nghĩ ấy, suy nghĩ rằng bạn phải tự cứu lấy mình, bạn đã khỏi bệnh được  50% rồi. Thứ nhất, bạn đã nhận thức được rằng bạn có vấn đề. Thứ hai, bạn muốn giải quyết cái vấn đề ấy.


Thật lòng thì tôi không nhớ rằng mình đã đi qua giai đoạn ấy như thế nào, vì những mảnh ký ức rất mờ ảo và không liên tục. Thật kỳ lạ, vì trí nhớ của tôi khá tốt, nhưng quãng thời gian đó, tôi chỉ nhớ rằng mình đã khóc rất nhiều, cảm giác khi khóc là giống như ở dưới một cái hố rất sâu, rồi một ngày tôi thấy lồng ngực mình nhẹ bẫng, tôi muốn đi ra ngoài ăn một món gì đó ngon ngon, tôi muốn cười, một nụ cười thật tươi, cũng muốn vẽ, viết trở lại. 

_______________________________________________________________________________

Không có thứ gì xuất hiện trên đời một cách vô nghĩa. Việc tôi bị trầm cảm cũng vậy. Quãng thời gian ấy nhắc nhở tôi rằng, tôi có một cái giới hạn tâm lý và tôi phải chấp nhận cái giới hạn ấy, hoặc không thể thay đổi nó ít nhất là ngay tại thời điểm đó. Giống như khi các ông bố bà mẹ biết mình sắp có con, tôi phải căn chỉnh lại cuộc đời mình vì hiện giờ cuộc đời tôi có một vấn đề mới cần phải giải quyết và nó cũng là một phần cơ thể của tôi, tôi phải học cách yêu quý, trân trọng, điều tiết nó. Tôi cũng nhận thức được những dấu hiệu của cái ngưỡng tâm lý kia, cũng biết sợ rằng mình có thể bị trầm cảm một lần nữa, kết nối được với bản thân mình nhiều hơn, tự lập và độc lập về cảm xúc hơn. Cảm giác chiến thắng bản thân mình rất hạnh phúc và vinh quang, dù chẳng ai ở đó chứng kiến chiến thắng ấy cả. Hai đấu thủ trong đấu trường là hai thái cực, hoặc thậm chí nhiều thái cực của bản thân tôi, trên khán đài là rất nhiều tôi của rất nhiều năm sau này. Giống như tôi bây giờ, đang nhìn về những thứ đã qua, đồng cảm với quá khứ rằng cảm giác ở cái đáy kia rất đáng sợ và cảm ơn bản thân vì lúc đó đã cố gắng.

"Không thể ngồi ở cái đáy đó khóc một lần nào nữa."


Có nhiều người bạn của tôi, cũng đang loay hoay như tôi lúc đó. Họ không nói với tôi, giống như tôi của ngày xưa cũng không nói với ai cả. Tôi tin rằng vấn đề của họ là thật, và cũng tin họ sẽ giải quyết được vấn đề ấy. Sẽ có nhiều người nói rằng, trầm cảm là thứ chỉ xảy đến với những kẻ yếu đuối, hoặc tham lam, hoặc thiếu chín chắn, những kẻ chưa trưởng thành, thích làm quá, làm lố, làm màu. Sẽ có những lời nhận xét vô duyên và có cả những đánh giá phiến diện về con người bạn, thậm chí cả quá khứ, tương lai của bạn từ những kẻ học lỏm được chút kiến thức tâm lý học rác của mấy cuốn sách lởm trên mạng. Những lời quan tâm, chia sẻ thật lòng thậm chí cũng chẳng có ý nghĩa gì với bạn tại thời điểm đó, vì bạn sẽ chẳng tin đâu. Nhưng mọi chuyện rồi sẽ qua, hoặc ít nhất là sẽ ổn hơn, vì ý chí sống của con người rất mãnh liệt, Bạn yêu cuộc sống này nhiều hơn bạn nghĩ, và có nhiều người cũng yêu bạn, dù thật khó để cho bạn nhìn thấy điều đó tại thời điểm này. 

Miễn là bạn cho bạn cơ hội. 

- machnhakechuyen -
Mạch Nha kể chuyện...



Nhận xét

Bài đăng phổ biến