Làng quê trong giấc mơ của đứa trẻ. Lần chuyển nhà đầu tiên.
"Hóa ra có những chuyện có thể khiến tôi mệt mỏi hơn cả việc phải thức dậy lúc sáng sớm và ra chợ đầu mối mua đồ ăn cho tươi và rẻ."
1. Hồi học mẫu giáo, bạn thân nhất của tôi là đám trẻ con gần nhà. Đám trẻ gồm anh Trung (hơn tôi 6 tuổi), Thanh (hơn tôi 5 tuổi), tôi, bé Huyền (nhỏ hơn tôi 3 tuổi). Tôi thân nhất với cái Huyền. Chúng tôi chơi trốn tìm, chơi đuổi bắt, nhảy bước. Mùa hè ở miền Bắc những năm đó rất nóng, oi và không có điều hòa. Chúng tôi hay trốn ra ngoài chơi vào những buổi trưa. Đằng sau nhà tôi có một cái ao nhỏ, xung quanh có rất nhiều hoa dành dành. Chúng tôi sẽ nghịch những con nòng nọc ở gần bờ, hái hoa dành dành, nghiền quả dành dành lấy chất dịch màu đỏ để nhuộm phấn màu. Những đứa trẻ ở quê, nhìn đứa nào cũng đen đen, tóc xơ vàng cháy, quần áo luôn có vài vết bẩn, kẽ móng tay có đất, đứng ở gần sẽ ngửi thấy mùi mồ hôi pha với mùi đất và nắng, đôi khi có cả mùi nước mắm nữa (vì vừa nước mắm dính lên áo lúc ăn trưa). Tôi cũng vậy. Những đứa trẻ xung quanh tôi cũng vậy. Sau này, tôi còn phát hiện ra rằng trẻ con nông thôn có đôi mắt rất đặc biệt. Đó là những đôi mắt sáng, tinh ranh nhưng non nớt, bẽn lẽn và dễ mắc cỡ. Trong ánh mắt có rất nhiều phức chất tạo ra từ sự hiểu chuyện, trách nhiệm, tự ti, mạnh dạn, độc lập, nổi loạn, mệt mỏi, tươi vui,...Đám trẻ con nông thôn ấy cùng tôi lớn lên, che chở cho tuổi thơ của tôi yên bình, đơn sơ và xinh xắn.
![]() |
Hoa xuyến chi |
Dần dần, lần lượt từng đứa nhỏ trong đám chúng tôi đi học. Có đứa học giỏi, có đứa học dốt. Có đứa thích học, có đứa không thể ngồi ở bàn học quá 5 phút. Chúng tôi vẫn chơi với nhau nhưng thưa dần. Anh Trung và Thanh lớn nhất, khi tôi vào lớp một thì anh Trung và Thanh đã lên cấp 2, Huyền thì vẫn học mẫu giáo. Trường học là công xã duy nhất của mấy đứa chúng tôi, tạo điều kiện cho chúng tôi có nhiều vòng tròn bạn bè mới. Cộng hưởng với những nét tính cách đặc trưng của tuổi dậy thì, mà cụ thể ở đây là sự ẩm ương, chúng tôi dần dần trở thành những người bạn thân cũ.
Lúc đó tôi đang dậy thì, nên tôi khá bận bịu với việc chứng tỏ bản thân và quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Tôi cũng lờ mờ hình dung ra khái niệm "bạn thân cũ". Nhưng sau đó tôi bị nhiều mối quan tâm khác cuốn đi, mà cụ thể ở đây là "không biết thi tháng lần này mình xếp thứ bao nhiêu", "mai học Toán lỡ kiểm tra bài cũ thầy gọi mà mình không làm được thì sao" hay "không biết thằng A có thích mình không nhỉ", "sao trông mình lại đen và xấu thế nhỉ",..v...v... Tôi cho rằng anh Trung, Thanh và cái Huyền cũng giống tôi, cũng sẽ bị cuốn đi trong những suy nghĩ trong thế giới riêng của từng người. Sau đó, một ngày chúng tôi ngoảnh lại nhòm nhau, thì mỗi đứa đã ở một góc xa tít tắp và chẳng liên quan gì đến nhau. Đứa miền Nam, đứa miền Bắc, đứa miền Trung, đứa ở tận bên Nhật. Có đứa đã bồng hai đứa con, có đứa mới lấy chồng, có đứa nhìn như con của mấy đứa còn lại. Mỗi đứa một công việc. Mối bận tâm là nòng nọc, hoa dành dành, cá cờ,...ngày còn nhỏ, bây giờ thành câu chuyện cơm tối cho chồng con.
Cuộc sống của người lớn có nhiều thứ hay ho, cũng thật mệt mỏi. Ngày xưa, tôi hay ra chợ đầu mối cuối tuần, mua đồ ăn về trữ trong tủ lạnh để tiết kiệm tiền lúc học đại học. Rất mệt. Nhưng sau này, tôi mới biết, hóa ra có những chuyện có thể khiến tôi mệt mỏi hơn cả việc phải thức dậy lúc sáng sớm và ra chợ đầu mối mua đồ ăn.
![]() |
Sáng sớm ở làng mới |
2. Năm hai đại học, tôi chuyển nhà lần đầu tiên trong đời. Những buổi tối trước ngày chính thức trở nên xa cách với ngôi nhà gắn bó gần 20 năm, tôi bỗng muốn lưu lại từng thứ nhỏ xíu nhất xung quanh: vườn rau, cánh cổng, mùi của nền đất,... Lần đầu tiên tôi thử nằm dài ra trên sân gạch, nằm cạnh con cún của tôi, ôm nó vào lòng (bình thường nó hôi nên tôi chỉ vuốt ve nó thôi).
Lần chuyển nhà đó đã tác động đến tôi khá nhiều sau này. Năm 19 tuổi, tôi nhận ra ngôi nhà thật sự không có một định vị địa lý cụ thể nào cả. Tôi cũng nhận ra, không tồn tại thứ gì trên đời này mãi mãi thuộc về mình. Tâm hồn và cơ thể này chính là chỗ dựa vững chắc nhất của tôi.
Lúc học đại học, tôi chuyển nơi ở đến 6 lần. Sau khi ra trường, tôi bắt đầu đi và thử sống ở vài nơi, từ Bắc vào Nam, từ nông thôn đến thành thị. Lần chuyển nhà năm hai đại học đó, nói một cách văn hoa, đã khiến tôi "trở nên dứt khoát hơn", hoặc có thể là "dễ dàng dứt áo ra đi" trong mọi thứ, không chỉ đơn giản là chỗ ở.
Những lần về thăm nhà cũ sau này, dù vẫn là "nhà mình", nhưng giống như đặt bàn tay lên tờ giấy nhám đã cũ vàng thô ráp. Hoài niệm, nhưng cách xa. Tôi đã khác, bầu trời và khoảng sân ở ngôi nhà cũng khác. Những giấc mơ lúc ngủ của tôi cũng đã khác. Thế giới xung quanh ngôi nhà cũng khác, đôi mắt của tôi nhìn thế giới ấy cũng khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét