Giọng Bắc pha Nam

 


Tôi thích nghe giọng Bắc pha Nam. Hay hơn giọng Bắc, hay hơn giọng Nam, chính là giọng Bắc pha Nam.

Giọng Bắc nghe tròn chữ, nghe rất ngữ pháp. Các ông cụ bà cụ ngồi trong những ngôi đền ở phố cổ, hàng tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, những người mà tôi cho rằng là người Hà Nội gốc loading đến 90%, giọng của họ nghe rất rõ, nhấn nhá vừa đủ và có thể tóm lại bằng một chữ "ấm". Trên cái nền giọng "chính quy" ấy, giọng Bắc sẽ dần bẻ nhánh ra giọng của người Bắc làm công sở, giọng của người Bắc làm telesales, giọng của giáo viên, giọng của người bán cá, giọng của người ở quê, giọng của người ở phố, giọng Hà Nội, giọng Hải Phòng, giọng Hải Dương, giọng Thái Bình,... Lên đại học, đi nhiều nơi giúp tôi khám phá và làm rõ những ấn tượng thuở nhỏ về giọng Hà Nội. Có hai kiểu giọng Hà Nội tôi được nghe. Kiểu thứ nhất khiến người nghe có cảm giác rất ấm, rất cổ kính. Kiểu thứ hai, vẫn trên nền giọng Bắc chuẩn, nghĩa là không ngọng nguyên âm hay phụ âm nào, nhưng hơi luyến một chút ở những tiếng có dấu hỏi, nghe thấy sang hơn và có chút gì đó hơi điệu đà. Cũng chính vì sự màu mè này, kiểu giọng thứ hai thường khiến người nghe thấy "khó cảm" hơn kiểu thứ nhất, bớt trầm và bớt ấm hơn. Sự "sang chảnh" của kiểu giọng này cũng khiến nó trở nên nông và phô hơn kiểu giọng thứ nhất. 

Các tỉnh miền Trung như Huế, Thanh Hóa, Bình Định,..v...v... mỗi nơi một giọng. Không phải mẫu giọng "sách giáo khoa" như giọng Bắc, giọng địa phương có thế mạnh là sự gần gũi, độc đáo riêng biệt. Vì vậy, giọng địa phương sẽ thường được các đạo diễn, biên kịch tận dụng để làm chất liệu gia tăng màu sắc cho tuyến nhân vật phụ trong các bộ phim, hoặc là chủ bài trong các tác phẩm văn học, điện ảnh đề cao tính "unique". Tôi rất thích nghe giọng địa phương. Ngoài kỷ niệm đáng buồn duy nhất là bị lừa mua một con cá với giá hơn bảy trăm ngàn hồi năm ba đại học lúc đi chơi ở Sầm Sơn vì không nghe rõ cha bán cá nói gì, tất cả những mảnh đất đó đều để lại ấn tượng tốt đẹp với tôi, từ chất giọng đến con người. Càng sâu xuống phía Nam, sự biến đổi của giọng nói càng rõ ràng.

Giọng Nam (có lẽ) cũng gồm hai nhóm: giọng miền Đông và giọng miền Tây. Giọng của người miền Tây, sẽ "lướtc trớc quwớc" ở những tiếng có chứa phụ âm "ch", "d", "qu",... Dấu ngã được lái sang dấu hỏi,  "Anh vừa bị ngã xe" nghe thấy hơi giống "Anh vừa bị ngả xe". Vần "ây" sẽ hơi lái sang vần "ay", "miền Tây tụi tui" nghe thấy hơi giống "miền Tay tụi tui".

Sài Gòn là một cái hũ lớn chứa cả người Bắc, Trung, Nam, cả người Hoa nữa. Vì vậy, nền giọng của dân Sài Gòn nói chung chắc chắn sẽ có sự pha trộn. Thường những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn từ nhỏ, cách phát âm chủ đạo vẫn theo giọng miền Tây, nhưng được giản lược tính địa phương đi rất nhiều, thêm chút âm hưởng Bắc kỳ vào cả cách tạo câu, cách nói và âm sắc. Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai,..hay khu vực Đông Nam Bộ nói chung, cũng tương tự như Sài Gòn, là nơi có lượng dân nhập cư từ phía Bắc khá cao. Cá nhân tôi, một người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc 24 năm, thì giọng nền của các tỉnh Đông Nam Bộ dễ nghe hiểu hơn giọng nền của các tỉnh miền Tây.

Mọi người thường quan niệm rằng "gái Bắc giọng chua, gái miền Tây giọng ngọt", thường là nhận xét giọng điệu. Và giọng điệu lại chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều nhân tố như tính cách, nghề nghiệp, lối sống, môi trường sống,...Luận cứ này cùng với lý thuyết "xã hội ai cũng có người này người kia", thì dù là miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, đều có người giọng ngọt, có người giọng chua. Thậm chí, có thể tồn tại nhiều kiểu giọng nói trong cùng một con người. Nghe được người khác nói với mình giọng gì, thật sự phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. 

Chất giọng tôi thích nghe nhất là giọng gốc Bắc pha một chút chút giọng Đông Nam Bộ. Nó sẽ tạo ra một bản thể vừa ấm vừa tình. Một ví dụ điển hình của chất giọng này là giọng của nam ca sỹ Hà Anh Tuấn. Ngược lại và song song, ta có giọng Nam pha Bắc. Tôi biết những người bạn, người quen sinh sống ở miền Nam từ nhỏ, sau đó ra phía Bắc làm việc vài năm, giọng nói và cách nói của họ cũng có sự biến đổi ít nhiều, thường là trầm hơn. 

Có một chi tiết khá hay ho, đó là khi chúng ta nói giọng Bắc trong một nhóm người cùng nói giọng Bắc, ta thường ít khi để ý đến giọng nói của chính ta. Nhưng vẫn là giọng nói ấy, lúc đặt giữa một nhóm người nói giọng Nam, một khoảnh khắc nào đó có thể bạn sẽ thấy bạn có vẻ chú ý cách phát âm và chính tả của mình hơn bình thường. Tự dưng ít nhiều giọng của bạn sẽ hơi nghiêng chút chút về giọng Bắc pha Nam. 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến