You are my black sheep, darling.
"You are my black sheep, darling."
Lâu lâu, có một vài người bạn không thân lắm nhắn tin cho tôi, hỏi "Dạo này sao rồi, dạo thấy em/ mày không viết blog nữa à, thi thoảng đọc mấy bài đó cũng hay hay vui vui,..." Thông thường tôi sẽ trả lời bằng một câu tấu hài nào đó, một câu trả lời mà nghe xong thấy vui, hài hước một chút. Thông thường đối phương sẽ bật cười sau khi nghe và câu chuyện bẻ sang một nhánh khác, vẫn là quan tâm hỏi han nhau, nhưng là quan tâm một vấn đề khác, hỏi han một câu chuyện khác. Câu trả lời của tôi thật sự không cung cấp cho người nghe thông tin mà họ muốn, nhưng cũng không làm cuộc nói chuyện trở nên "awkward". Hồi bé, tôi không chú ý điều đó lắm. Càng lớn, tôi càng nhận ra rằng, cái nhân dạng của tôi trong mắt phần lớn những người xung quanh, cũng giống như câu trả lời của tôi trong cuộc hội thoại mà tôi kể ở trên, chính là có vẻ tương đối cởi mở tự nhiên thoải mái, nhưng mà chẳng có ai biết cái quái gì về nó cả.
Trên dưới chục lần, tôi nhận được lời nhận xét hết sức chân tình rằng "..tao cảm giác tao chẳng biết gì về mày cả...". Hồi còn là cô gái mới lớn, mỗi lần được nhận xét như vậy từ một người bạn không thân lắm, tôi thấy vui vui, vì có vẻ bản thân mình cũng hay ho ra phết nhỉ. Nhưng thường vui vui thì ít, mà buồn thì rất nhiều. Vì những người bạn lâu năm cũng không cảm thấy "yên tâm" về tôi. Vì bạn bè tôi cũng có cái cảm giác ấy, cái cảm giác "không biết gì" về tôi cả. Ngày xưa tôi không biết tại sao mình lại như vậy, chỉ biết rằng rất khó và rất lâu để tôi thật sự thân thiết với một người khác. Cảm giác rất dễ nhập cuộc vào những cuộc vui, nhưng lại rất khó để thân thuộc với nó. Quan trọng là, cái cảm giác không có nhiều người hiểu mình ám ảnh tôi rằng tôi có vấn đề.
Tôi hiểu rằng, suy nghĩ đó của tôi thật sự ngu ngốc, bởi vì nó xuất phát từ một động cơ rất ngu ngốc, đó là mong muốn được yêu thích, được ngưỡng mộ, được trân trọng. Và nó không phải là vấn đề của riêng tôi, rất nhiều những đứa trẻ khác (mà có thể bây giờ đã là những người lớn, thậm chí cả những người lớn tuổi), chỉ vì nhận được tình yêu thương mà người thân diễn đạt sai cách, mà họ đã và đang sống mãi một cuộc đời chạy theo những ái cảm của người khác dành cho mình. Điều quan trọng là bản thân họ cũng không vui vẻ với điều đó. Chắc chắn là đến một lúc nào đó, họ cũng nhận ra rằng việc làm hài lòng người khác thật là mệt mỏi, nhưng có lẽ việc tiếp tục sống như vậy còn dễ dàng hơn là phải thích nghi với một cách sống mới.
Những chuỗi sự kiện xảy ra trong cuộc sống của tôi từ bé đến lớn hình thành nên rất nhiều mảnh tính cách khác nhau cho tôi, và khi ghép lại, chúng tạo thành một tổng thể rất khó hiểu. Những thứ khó hiểu thường ít nhận được cảm tình, nhưng lại rất chiều chuộng trí tò mò và óc quan sát của mọi người xung quanh. Mẹ tôi bảo tôi là con lập dị, "rồi sau này mày sẽ sống một mình thôi con ạ". Dù ai cũng bảo những nét trên mặt tôi giống mẹ, nhưng tôi lại chẳng thích được nhận xét như vậy chút nào. Vì tính tôi và tính mẹ khác nhau quá. Mẹ tôi là mẫu phụ nữ truyền thống, không hẳn chuẩn mực đoan trang như phụ nữ Nho giáo thời xưa (vì mẹ tôi cũng có chút gì đó nhắng nhắng như tôi vậy😀), nhưng tư tưởng thì vẫn thuần Nho giáo. Mẹ tôi lúc nào cũng dặn tôi, phải nữ công gia chánh, phải chăm chỉ, phải dịu dàng. Mẹ tôi cũng tiếp thu những tư tưởng hiện đại, nên còn dặn tôi phải học giỏi, tự lập, không thua kém đàn ông này kia. Khi con người ta tân tiến hơn, người ta sẽ sống thoải mái và ít tiêu chuẩn hơn. Nhưng mẹ tôi, cũng giống rất nhiều ông bố bà mẹ tân tiến ngược khác, đặt thêm nhiều kỳ vọng và tiêu chuẩn cho con cái hơn. Khác biệt lớn nhất là, mẹ tôi rất quan trọng những gì mà người khác nghĩ về mình và các con mình. Còn tôi thì không. Đây cũng là luận điểm mà rất nhiều cuộc tranh cãi của hai mẹ con xoay quanh, thường chẳng đi đến đâu cả.
Cũng phải thừa nhận rằng, cái việc "sống một mình một kiểu" mà mẹ tôi nhận xét về tôi, nó cũng có nhiều lúc mệt và cô đơn. Khi tôi còn là một đứa nhóc 15 tuổi vỗ ngực tự hào rằng mình đã lớn, tôi sẽ thấy cái cá tính của mình là "ngầu". Nhưng ở tuổi 25, thật lòng tôi thấy cái cá tính của mình thật là mệt. Càng khác biệt, bạn càng cần nhiều nỗ lực và thời gian để tìm được cộng đồng chấp nhận trọn vẹn con người bạn. Và suy cho cùng, sự chấp nhận ấy cũng vẫn xuất phát trên nền móng tình cảm mà bạn xây dựng cùng họ. Vậy nếu ngay từ đầu, bạn chấp nhận bỏ cái cá tính riêng của mình xuống thấp hơn một chút, bạn có thể sẽ hòa nhập được với bất kì cộng đồng nào. Chỉ cần nhuộm toàn bộ lông, con cừu đen có thể hòa nhập với bất kì đàn cừu trắng nào. Dù tôi muốn sống không quan tâm đến người khác nghĩ gì, nhưng tôi vẫn là một viên gạch của bức tường nhân loại, vẫn chịu những quy luật vận hành của xã hội, cái đỉnh chóp nhọn trong tháp nhu cầu Maslow của tôi vẫn là nhận được sự công nhận của mọi người. Thế nên, cái suy nghĩ nhuộm sạch bộ lông của mình vẫn luôn thường trực trong đầu tôi. Một vài lần tôi cũng cúi đầu mà cam chịu làm một cừu trắng. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi lại hả hê ghê gớm.
Đổi lại, mẹ tôi dù nhận được nhiều niềm vui mỗi khi một phi vụ "làm hài lòng người khác" thành công, nhưng cũng kha khá lần thấy mệt mỏi và phiền toái vì điều đó. Lúc đó, tôi cũng rất đắc ý mà khuyên mẹ, khuyên chân thành như một nhà hiền triết người Canada rằng "Không có bông tuyết nào là trong sạch. Trên đời không có ai là hoàn hảo, mẹ không cần quá quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình như vậy".
Từ khi tôi vào Nam, mẹ tôi không tranh luận với tôi nhiều nữa, vì số cuộc nói chuyện của hai mẹ con cũng không nhiều. Thật ra đến mẹ tôi cũng có cái cảm giác "không hiểu gì" về tôi như tất cả mọi người, chỉ có điều mẹ tôi tin chắc là tôi dù đi đâu thì vẫn là con của mẹ, nên mẹ tôi không thấy bất an về tôi.
Tôi lúc nào cũng băn khoăn về việc nhuộm bộ lông cừu của mình. Nhưng lúc ở Hà Nội, tôi hay nghĩ về việc làm thế nào để mình không còn là một con cừu đen nữa, mình muốn trở thành con cừu màu trắng như những con cừu khác. Còn khi ở Sài Gòn, tôi bắt đầu nghĩ đến việc nhuộm thành một con cừu màu hồng neon hoặc tím khói rắc nhũ, đại loại vậy.
Nhận xét
Đăng nhận xét