Hãy thử để cảm xúc lấn át lí trí một vài lần


Tôi là một đứa nông nổi, nóng vội và nuông chiều cảm xúc. Dễ thường có cả tính ẩu đi kèm nữa. Điều đó chẳng khó nhận ra. Từ năm lớp 3, khi cái sự học nó mới là một mầm cây hai lá mới nhú, thầy giáo đã chép miệng nhận xét với mẹ tôi: “Cái Hồng Anh nhà chị, nó thông minh, nhưng ẩu quá”. Lời nhận xét ấy rất đúng, vì suốt 12 năm học, kết quả học tập của tôi lên xuống như đồ thị hình sin vậy. Dù các thầy cô đã ưu ái và yêu quý, nhưng cũng không thể không bực mình vì cái tính cẩu thả của tôi được. Nó là một tính rất xấu mà tôi luôn cố sửa, đặc biệt từ lúc lên đại học.

Nhưng “giang san dễ đổi, bản tính khó dời”, dù có cố sửa đến mấy thì cái bản chất gốc nằm trong bốn chữ “nuông chiều cảm xúc” vẫn hiện rõ mồn một.

Và rõ ràng nó hại tôi không ít lần. Nhưng đổi lại, nó cũng cho tôi một cuộc sống khá “đậm đà”.

Năm lớp 3 tôi bắt đầu đi xe đạp đi học. Ở quê ngày xưa đường rất vắng, nên cái trò đua xe của bọn nhóc lúc đi học về là điều…dễ hiểu. Thời điểm diễn ra “sự tích xe đạp”, tôi cũng mới biết đi xe đạp 2 tháng, được mẹ mua cho con xe mini Nhật đỏ thắm căng đét và khao khát được thể hiện bản thân.

Giải đua xe đạp mở rộng phạm vi ao làng, không phân biệt gái trai, lớp 1 hay lớp 5 (miễn là bạn biết đạp xe đạp), đăng kí tham gia bằng hình thức nói mồm (thủ tục cực kì đơn giản). Dĩ nhiên tôi tham gia. Khao khát thể hiện bản thân, tính hiếu thắng cộng dồn với sự dẻo dai của con xe Nhật mới toe đã giúp tôi vươn lên số 1. Khi tôi cảm thấy đang được chiếu sáng bởi ánh hào quang danh vọng, thì một đứa bạn khích tôi “Tao thách này vượt được cái xe lam” (xe lam là một loại xe chở học sinh, có chức năng của xe bus nhưng hình thức và cấu tạo của xe công nông, chạy khá nhanh và đều).

Có một tiếng nói bên trong tôi bảo rằng “Tao không mạo hiểm mà đua với cái xe to và ồn ào đó đâu”. Nhưng chắc do tôi điếc, hoặc do gió quá to, nên tôi không nghe thấy. Tôi để cho cái tính hiếu thắng lái mình đi, chấp nhận lời thách thức và lao đi như một con...hâm.

Bất ngờ ở chỗ, tôi vượt được cái xe lam. Lúc tôi vượt, bọn học sinh ngồi trên xe gào lên đòi chú tài xế đi nhanh hơn, quyết không cho tôi vượt. Nhưng tôi vẫn tỏa sáng như một vị thần. Trong lúc đang tỏa sáng, tôi cảm thấy cần quay lại lêu lêu các bạn một cái (sau này tôi mô tả mong muốn ấy chính là biểu hiện của dục vọng đạt đỉnh tháp Maslow). Và tôi quay đầu lại, chưa kịp lêu lêu cái nào, thì chệch tay lái và phi thẳng xuống cái máng nước gần nhất.

Quên cái chuyện bị các bạn cười nhạo sau đó, thì lúc về nhà có một điều còn làm tôi buồn hơn. Mẹ tôi không cần nghe tôi kể, cũng biết tôi bị ngã ngay từ lúc tôi mở cái cổng vào nhà. Mẹ tôi bảo chú Học (chú tài xế xe lam) biết thừa tôi muốn vượt cái xe, nên cố tình đi chậm lại để tôi không tiếp tục phóng bạt mạng nữa. Chú thật tốt bụng, chắc chú không đoán được tôi sẽ lệch tay lái chỉ vì… “lêu lêu”.

À, cái vụ đua xe đó, chỉ là một dấu chấm nhỏ tí trên trang tự truyện “Hoanh đã trẩu như thế nào”. Vì có đến ty tỷ câu chuyện tương tự.

Ví dụ chuyện tôi rung cành ổi rồi bị ngã xuống ao và khóc nhè.

Ví dụ chuyện tôi ở nhà ông bà ngoại, đêm không ngủ được, nửa đêm khóc nức nở đòi chú tôi lai về nhà.

Ví dụ chuyện tôi bắt nòng nọc và sâu róm để nướng lên với hi vọng phát triển thêm đặc sản quê hương.

Ví dụ chuyện tôi ném nguyên bát cơm nhiều thịt vào bể nước mưa và tưởng tượng mình là cô Tấm (xong bị vụt sml).

Ví dụ chuyện tôi đại diện cho lớp thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất nuột cho đến câu kết “qua đây, chúng ta rút ra bài học, có công màu sắt có ngày nên chim!??!”

...v..v.

Nhưng tôi yêu thương nhiều nhất vẫn là chuyện đua xe đạp, vì tôi đã đổ mồ hôi, máu, nước mắt, rách ít da, lệch cả lồng xe phía trước để có câu chuyện đó. Và quan trọng, đó là lần đầu tiền tôi ý thức được rằng mình có vẻ là một đứa nông nổi.

                                                   __________________________________

Lên cấp hai.

Tôi ghét nhất bọn trẻ con dậy thì. Dở dở ương ương và còn được điểm tô cả chút bố láo nữa. Và đúng vậy, tôi lúc cấp 2 cũng là nằm trong nhóm đó ở một giai đoạn nào đó. Những chuyện ngu ngốc mà tôi đã làm những năm cấp hai không đến mức đần độn như hồi cấp 1, nhưng tôi chẳng muốn nhắc đến.

Có một thứ mà tôi không bao giờ quên. Đó là chuyện học đội tuyển.

Học đội tuyển ở trường Vũ Hữu- một chủ đề vô cùng đặc sắc. Sự kiện chọn đội tuyển ở Vũ Hữu những năm tôi học có lẽ có thể so sánh với sự kiện Brexit- Anh rút khỏi khối đồng minh EU (tôi chỉ muốn nhấn mạnh tầm ảnh hưởng và tính tranh cãi của hai sự kiện, chứ thực sự chúng chẳng có tí liên quan nào đến nhau). Đại khái là, tôi được chọn vào đội Văn, nhưng lại khóc lóc vì muốn vào đội tuyển Anh. Tiếp tục trên nền tảng nông nổi sẵn có, tôi đâm ghét Văn vì cho rằng nó cản trở tôi đến với môn Anh. Thầy dạy Hoá gợi ý đổi tôi sang đội Hoá. Tôi không thích Hoá lắm, nhưng vẫn nhận lời để thỏa nỗi niềm “thoát khỏi môn Văn asap”.

Tôi không biết rằng, những quyết định ngu ngốc nhất, thường xuất phát từ những động cơ tiêu cực nhất. Khi bạn làm một cái gì đó không phải là đam mê, có thể bạn vẫn sẽ làm tốt, nhưng không bao giờ làm tốt nhất. Bạn cứ lửng lơ ở giữa, bỏ thì thương mà vương thì tội, dày vò bản thân tại sao không thể ép mình cố gắng hơn nữa dù sâu bên trong, bạn hiểu rằng bạn không thực sự yêu thích nó. Trách nhiệm, cái tôi và nỗi sợ hãi sự thay đổi ép bạn tiếp tục đâm theo ngọn lao quyết định vừa phóng, còn lương tâm và con tim thì dày vò bạn trước giờ đi ngủ.


Sau khi vào đội tuyển, tôi tiếp tục phát huy cái tính cẩu thả trời phú của mình bằng cách liên tiếp xếp thứ bét trong tất cả các kì thi đội tuyển. Thầy giáo buồn và giận tôi rất nhiều vì tôi là học sinh ở vị trí chọn đầu tiên của đội, được thầy kỳ vọng rất nhiều, nhưng nó đếch đúng với kết quả thi của tôi tí nào.

Chả hiểu sao đến hôm thi tỉnh, tôi may mắn ẵm ngay giải Nhì. Cuộc đời tuy buồn nhưng thật vi diệu.

Cấp ba.

Lớp 10, bằng chứng của cái nét “hoang dã” trong con người tôi, nó thể hiện ngay trong lần họp phiếu kín đầu tiên của lớp. Tôi vinh dự nằm trong top 5 bạn có thành tích vi phạm dày đặc nhất, trở thành 1 trong 5 “học sinh cá biệt” theo kết quả phiếu bầu.

Đợt đó tôi cũng hay giao du, bỏ bê học hành và nhắn tin với đám con trai lớp trên, nên kết quả học tập rớt thê thảm. Còn mẹ tôi đập điện thoại của tôi cũng trên dưới chục lần (nhân đây cũng muốn cảm ơn Nokia x2 vì đập như giã cối mà vẫn chạy ngon như nhà làm).

Đợt đó tôi còn bỏ bê tụi bạn thân cấp 2 nữa.

Thi học kỳ, tôi bị bắt phao môn Vật Lý, mà tức ở chỗ cái đề nó dễ không à, tôi làm xong hết rồi nhưng ham hố check lại câu lý thuyết (một câu định nghĩa dài hai dòng). Và bị bắt phao.

Kết quả là lớp 10 tôi không được học sinh giỏi. Lớp 10 cũng là năm duy nhất tôi không được học sinh giỏi. Bố tôi, chẳng cần tôi báo cáo, một cách siêu phàm nào đó mà ông vẫn biết các loại điểm phẩy của tôi. Ông chỉ bảo “con học hành cho cẩn thận”. Hết, không có tí giận dữ nào nhưng nghe nặng như 1 triệu mol đồng.

Được cái, Văn và Hoá của tôi vẫn ổn.

Nhưng mà tôi bỏ Anh, dù tôi vẫn thích Anh, nhưng tôi tự cho mình đã lớn và nghĩ rằng: “Đã có lợi thế về Hoá thì nên tận dụng. Chỉ có ngốc mới tin vào ước mơ. Ước mơ và thành công không gắn liền với nhau”.

Thực ra, Hồng Anh ạ, ước mơ là con đường ngắn và đẹp nhất để đi đến thành công. Chỉ có sự hão huyền mới khiến mày đi lạc. Và nếu mày nghĩ ước mơ của chính mày là cái gì đó hão huyền, thì mày sẽ phải trả giá cho nó sớm thôi.

Lớp 10, tôi mua đến mấy chục quyển hạt giống tâm hồn, quyển nào cũng “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ”. Tôi đọc không sót quyển nào, nhưng vẫn rũ ước mơ và đam mê của mình như rũ một cái áo nhàu nhĩ.

Cô giáo chủ nhiệm, thầy giáo dạy Hoá là hai người giáo viên tôi quý mến nhất hồi học cấp ba.

Cô giáo chủ nhiệm hay bảo tôi, “Em là đứa biết nắm bắt cơ hội”.

Thầy dạy Hoá, người thầy đặc biệt, dõi theo tôi từ khi tôi học lớp 10 đến lớp 12 lanh chanh theo thầy kể chuyện lúc đi lên lớp học, to gan nói tự nhiên trong giờ học của thầy một cơ số lần. Thầy giận tôi một tuần, không nhìn mặt tôi sau khi kết quả thi tỉnh lớp 12 của tôi không được cái giải gì cả, trong khi thầy kỳ vọng ở tôi rất nhiều. Cũng là thầy, đã ngồi một tiếng lắng nghe tôi chia sẻ những khó khăn của bản thân trong quá trình ôn thi học sinh giỏi. Cũng chính là thầy, giáo viên cấp ba duy nhất viết lưu bút cho tôi.

Tôi hỏi thầy “Em thật sự hứng thú với mảng Marketing, Design. Nhưng mọi người đều khuyên em thi Y. Em không sợ học Y, em sợ em sẽ không tận dụng được những điểm mạnh của em khi em học Y”.

Thầy bảo “Điều đó không quan trọng. Quan trọng là cái gì là của mình, sau tất cả cũng vẫn là của mình”.
À,
Cấp ba, tôi cũng có nông nổi lắm đâu. Cũng crush mấy anh đẹp trai. Cũng dầm mưa khi có thể.

Tôi chưa học xong Đại học. Nên nếu liệt kê những luận cứ thời đại học nhằm chứng minh và giải thích cho cái luận điểm “Hoanh đã trẩu như thế nào” thì có lẽ vẫn hơi sớm. Nhưng tôi cũng hơi rùng mình, vì nó cũng nhiều kinh khủng.

Vào trường Y, cũng nằm trong đống quyết định “trẩu” của tôi. Hai năm đầu, tôi hối hận nhiều. Tôi cố gắng đạt kết quả tốt để xoá đi cảm giác “sai sai”, nhưng ngay cả thời điểm kết quả học tập của tôi rất tốt, thì tôi vẫn ngồi khóc trong góc nhà mỗi khi nghĩ về quyết định của mình. Một đứa sống theo cảm xúc nhiều như tôi, khi rơi vào một vũng lầy của tâm trạng, nếu lý trí không sáng suốt hơn, thì trầm cảm là kết quả tất yếu.
Thật may, mọi chuyện đã sáng sủa hơn lúc tôi bắt đầu đi lâm sàng.

Dù có vất vả hơn, mệt hơn và nhiều lúc buồn hơn khi bị mắng, nhưng ít nhất tôi biết tôi sẽ phải làm những gì, phải làm gì để gần nhất với thực tại mình muốn xây dựng sau này. Chỉ là...

Cái thực tại ấy thật mơ hồ...

Tôi chưa chữa khỏi bệnh cho ai cả, nhưng nhìn gương mặt sáng sủa khỏe lên từng ngày của người bệnh, mà rõ nhất là thằng em tôi hôm trước, khiến tôi thoải mái vô cùng.


Suy cho cùng, sống theo cảm xúc cũng không phải quá xấu. Muốn hạn chế mặt tiêu cực của nó, có lẽ phải tập xây dựng một tâm hồn đẹp đẽ. Một tâm hồn đẹp dễ sẽ không còn tiêu cực, và cũng giúp ta chống đỡ với cuộc đời nhiễu nhương này nữa.

Và cứ thế, cái khuyết điểm “nông nổi” của tôi sẽ thành ưu điểm.

Nhưng mà khó thật. Khó quạ.

- machnhakechuyen -
Mạch Nha kể chuyện...

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến